Vạch trần thủ đoạn ma cô từ đường dây đẻ thuê

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Vạch trần thủ đoạn ma cô từ đường dây đẻ thuê

Một bộ hồ sơ mang thai hộ cần tới 12 loại giấy tờ. Sự phức tạp này vô hình trung đã tạo điều kiện cho những biến tướng khó lường sinh trưởng, phát triển.

03/05/2015 10:01 AM
480

Ngay sau khi Nghị định 10/2015/NĐ - CP về việc mang thai hộ chính thức được thông qua, ba bệnh viện có chỉ định hỗ trợ các kỹ thuật sinh sản nhận được hàng trăm hồ sơ đăng ký nhưng chỉ có hơn 10 bộ hồ sơ được duyệt. Bởi, một bộ hồ sơ chuẩn cần đến 12 loại giấy tờ… Sự phức tạp này vô hình trung tạo điều kiện cho những biến tướng khó lường “sinh trưởng, phát triển”. Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, PV báo Người Đưa Tin ghi nhận nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.

Trong vai vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi tìm đến và đã chứng kiến bao hoàn cảnh, bao âu lo, khao khát của những bậc cha mẹ hiếm muộn, muốn bằng mọi cách có được một mụn con. Lợi dụng điều này, không ít cò mồi, những tay “anh chị” đã móc nối với nhau, hình thành một đường dây đẻ thuê, móc hầu bao của nhiều người cùng khổ…

“Bắt sóng” cò mồi

Có mặt tại trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật sinh sản (HTKTSS) – bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương, PV thấy khắp các góc sân, cổng BV, ở bất cứ đâu, tiếp chuyện với ai, để tròn vai diễn, khuôn mặt chúng tôi luôn tỏ vẻ mệt mỏi, âu lo và khát khao nhanh chóng hoàn thành hồ sơ mong sớm được hỗ trợ sinh con.

Tuy nhiên, việc dò hỏi thông tin không hề dễ dàng như chúng tôi mong muốn. Phần lớn những người đến đây đều là những người hiếm muộn, hay nói cách khác, họ đều là những người có bệnh lý. Chuyện sinh đẻ với họ, đôi khi là việc “hái sao trên trời”. Cũng không nhiều người biết đã có Nghị định 10 về quy định được nhờ người mang thai hộ. Một số người khác biết về Nghị định này đều cho là hồ sơ quá khó, luật định khắt khe.

Chị Trần T.L. (Vĩnh Phúc), nhân vật chúng tôi có nói trong kỳ trước, cho rằng, nếu không cẩn thận trong việc nhờ mang thai, chuyện tranh chấp con cái rất có thể sẽ xảy ra và đứa trẻ sinh ra khó khai sinh hay nhận bố mẹ.

Trong dáng vẻ thất thểu, chúng tôi tiến ra phía cổng BV, lập tức rất nhiều xe ôm tiếp cận mời chào. Đã thống nhất tìm một quán nước để lê la hết buổi trưa, chúng tôi lắc đầu từ chối những lời chèo kéo của cánh xe ôm, đi thẳng sang mấy cái quán bên kia đường.

Một phụ nữ gần 30 tuổi, gương mặt không trang điểm nhưng khá xinh xắn, sắc sảo, quét đôi mắt sắc lẹm nhìn chúng tôi, rồi nhanh nhảu: “Anh chị vào uống nước. Vào đây uống nước mà nghỉ ngơi…”.

Chúng tôi bấm nhau dừng lại quán nước đó. Gọi là quán, nhưng thực ra, tất tật đồ nghề của “chị chàng” chỉ có một cái làn, trong đó có mấy bao thuốc, một túi chè, nhúm thuốc lào và mấy cái cốc. Đá chân vào mấy cái ghế thấp chân, “chị chàng” lại đon đả: “Anh chị ngồi đi. Cứ ngồi xuống, em phải gọn thế để dễ chạy công an, nhưng uống gì cũng có”.

Có lẽ đã để ý đến vẻ thất thểu, buồn bã của “vợ chồng” tôi ngay từ khi mới từ cổng BV bước ra, nên chốc chốc chị bán nước lại liếc tôi vẻ dò hỏi.

Bắt được “sóng” của “cò”, tôi kéo ghế lại gần chị ta. Vẫn vẻ mặt buồn bã, âu lo, tôi hỏi khẽ: “Em ơi, chị hỏi nhờ một việc nhé, biết thì em nói, không em bỏ qua…”. Thấy tôi ngập ngừng, chị này vồn vã: “Chị hỏi gì? Chị vào BV làm hiếm muộn à?”. Tôi gật, rồi rầu rầu than vãn: “Khó quá em ạ, vật vờ mấy hôm rồi mà đến cái hồ sơ cũng chưa làm được. Em có biết dịch vụ nào làm nhanh nhanh, hoặc hỗ trợ được cho chị thì chỉ giúp chị với!”.

Nghe đến đây, đôi mắt sắc lẹm của chị hàng nước sáng rực lên. Chị ta lập tức gật ngay, bảo chẳng có gì là khó cả, cứ ngồi uống nước, từ từ chị ta sẽ chỉ dẫn cho.

Một hồi trò chuyện qua lại, chị bán nước giới thiệu tên là Thùy, bán nước ở cổng BV Phụ sản Trung ương đã nhiều năm. Thùy quen nhiều người “giỏi lắm”, từ những chị chuyên “làm phúc” giúp đỡ được rất nhiều người hiếm muộn, không sinh được con, đến các bác sỹ, luật sư đầu ngành.

   - Ảnh 1

“Cò mồi” Thùy đang thuyết phục khách hàng.

“Đẻ thuê dễ lắm, vào viện làm gì!”

Trong khi nói chuyện, Thùy tỏ ra rất “hiểu chuyện”, rất thương cảm với hoàn cảnh của tôi. Thùy khuyên tôi “tốn kém vào viện làm gì, khó lắm, chỉ “50-50” có khi lại chẳng được gì”, nên cứ nhất mực xui tôi nhờ người “ấy” hộ (tức nhờ đẻ thuê - PV). Thùy khẳng định: “Đẻ thuê dễ lắm. Cứ có tiền, muốn là nhờ được”. Thùy có một “chị gái” chuyên “làm phúc”, giúp đỡ những người hiếm muộn. “Em cũng sảy một đứa đầu nên rất hiểu anh chị vất vả. Nhưng giờ em có con rồi. Anh chị có thiện chí thì đến chị ấy sẽ giúp”.

- Chị có phải khám xét gì không?

Chị có mang hồ sơ không? – Thùy hỏi. Tôi lắc đầu, Thùy tiếp: “Chị cứ lên đó đi, chị ấy sẽ giúp. Chị ấy cũng giúp nhiều người rồi!”.

“Làm cái này phải kiên trì chị ạ, không thể một tiếng, hai tiếng mà làm được. Chị mong mỏi có con nên làm năm nay thì sang năm sẽ có. Anh chị làm trong kia (trong BV – PV) thì chắc gì đã có được”, Thùy liến thoắng giới thiệu.

- Thế làm “trong kia” thì không được à?

Khó lắm. Không phải không được mà nó lâu. Ví dụ phải lấy trứng của chị, tinh trùng của anh, rồi cấy phôi…, mất thời gian lắm. Tốn kém, lại không chắc chắn.

Thấy tôi vẫn ngần ngừ, Thùy kiên nhẫn thuyết phục. Giọng điệu của chị bán nước (thực chất là “cò mồi” trong đường dây “đẻ thuê” - PV) cứ ngọt lừ, chứng tỏ Thùy là dân “cò” khá chuyên nghiệp. Tôi chắc mẩm, với cái giọng điệu ngọt ngào, sắc sảo, kiên nhẫn đeo bám này, chắc chắn không ít “con mồi” đã sập bẫy của chị ta.

“Chị lo gì. Nói thật, chị nhiều tuổi rồi, sinh nở khó khăn, thì nhờ người đẻ hộ. Con anh chị vẫn là con anh chị, có phải con của họ đâu” - Thùy tiếp tục thuyết phục.

- Những người đẻ thuê ở đâu, có chắc chắn không?

Chị ấy sẽ có người cho chị. Anh chị yên tâm.

- Giá cả thế nào?

Chỉ bằng anh chị làm IPS (một phương pháp thụ tinh nhân tạo – PV) thôi, cũng không nhiều.

- Chị vẫn lo lắm. Nhỡ họ bảo con họ thì sao?

Anh chị phải cam kết chứ, ví dụ phải bắt họ không được thăm con, không được đòi con.

- Mình làm thế có sợ không? Công an có biết không?

Sợ gì? Ai báo mà biết? Ví dụ như em hộ chị, thì em không thể vừa muốn có tiền lại muốn báo công an. Như vậy, em cũng không có đường mà về quê, cũng chẳng có cơm cho con em được…

Vờ như đã “ngấm đòn” của Thùy, tôi cứ gật gù liên tục. Gương mặt thiểu não của tôi từ từ giãn ra: “Hay chị thử làm em nhỉ?”. “Em bảo chị rồi, chị cứ làm đi, không có gì lo cả. Em chỉ chỗ cho anh chị đến “chị ấy”, muốn làm gì chị ấy cũng giúp được”, Thùy khẳng định.

Thùy bảo tôi phải vui lên, không cần lo lắng gì cả, đã gặp chị ta là gặp “đúng cửa” rồi. Một đôi lần, tôi tỏ vẻ sợ sệt, lo âu, lưỡng lự, Thùy lại thao thao động viên. Đánh vào tâm lý tôi “nhiều tuổi, sinh đẻ khó, tốn tiền lại không chắc chắn, nhờ người khỏe mạnh để đẻ thuê cho “chắc ăn””, Thùy đã khiến tôi “sập bẫy”.

Ngay lập tức, Thùy đứng dậy, ra một góc khác, gọi điện cho “cấp trên”. Thì thầm trao đổi một lúc, Thùy quay lại bảo “cấp trên” của chị đi vắng, chiều muộn mới về. Tôi ngỏ ý xin số điện thoại, để chủ động liên lạc, Thùy bảo “cấp trên” không đồng ý cho.

   - Ảnh 2

Thùy gọi điện cho “cấp trên” Hằng, khi tôi đồng ý nhờ đẻ thuê.

Lộ diện “cò cấp cao”

Thùy bảo “vợ chồng” tôi cứ đi đâu đó, ngắm phố phường, hay chơi bời đến chiều, rồi quay lại điểm hẹn để gặp chị ta. Thùy sẽ điều một anh xe ôm dẫn vợ chồng tôi đến tận nơi, để gặp người cần gặp. Tuy nhiên, chỉ sau vài câu dò hỏi, tôi đã biết được “cấp trên” của Thùy tên là Hằng, đang là chủ một quán ăn, kiêm quán café trước cổng BV Xanh Pôn. Gật gù đồng ý với Thùy sẽ quay lại quán nước lúc 5h chiều, nhưng trong đầu chúng tôi đã nhanh chóng vạch kế hoạch tiếp cận đối tượng Hằng.

H.Nguyễn - Tô Hiển

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý