Vì sao sổ tiết kiệm 15 năm nhận 400 triệu đồng, 30 năm nhận... mớ rau?

ban ban @ban

Vì sao sổ tiết kiệm 15 năm nhận 400 triệu đồng, 30 năm nhận... mớ rau?

Sự khác biệt giữa thời điểm gửi tiền đã khiến những quyển sổ tiết kiệm bị lãng quên hàng chục năm của BIDV được nhận 400 triệu đồng, còn VietinBank chỉ là 4.000 đồng.

12/12/2014 09:31 AM
2,507

Ngày 10/12, ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hoàn Kiếm (BIDV Hoàn Kiếm), đã tổ chức thanh toán Thẻ tiết kiệm có kỳ hạn bằng tiền đồng và ngoại tệ cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ các năm 1999 đến năm 2001. Theo đó, một khách hàng có tổng số tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng là 47 triệu đồng và 7.000 USD từ năm 1999 đến 2001 đã được nhận tiền thanh toán 400 triệu đồng.

Đây được xem là trường hợp hiếm hoi khi số tiền tất toán sổ tiết kiệm quá hạn hàng chục năm vẫn được nhận tới hàng trăm triệu đồng. Trước đó, hai cuốn sổ từ năm 1983 trị giá 270 đồng (tương đương 2 chỉ vàng) và từ năm 1975 trị giá 1.800 của hai khách hàng ngân hàng Công thương (VietinBank) chỉ được nhận tất toán 4.000 đồng và 23.562 đồng. Vậy vì đâu có sự khác biệt này?

Nguyên nhân chính của số tiền tất toán chênh lệch tới hàng trăm nghìn lần như vậy là thời điểm gửi tiền. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thông qua các lần đổi tiền và phát hành tiền mới, những khoản gửi có từ 1/3/1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ là 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

Giai đoạn từ 2/3/1978 đến 31/5/1981, tỷ lệ quy đổi là 2 đồng cũ bằng một đồng mới. Từ 1/6/1981 đến 31/12/1984, tiền được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Từ 1/1/1985 đến 31/7/1985, hệ số quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Từ 1/8/1985 đến ngày đổi tiền thì theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

Xét trong trường hợp của VietinBank, với cuốn sổ tiết kiệm năm 1975, số dư sổ tại ngày 8/11/1975 là 1.800 đồng. Theo tỷ lệ quy đổi, sau 25 năm, số tiền gốc này chỉ tương đương với 180 đồng tiền mới tại thời điểm tất toán sổ 31/12/2000. Tính cả lãi suất quá hạn và phần gốc, việc khách hàng được nhận hơn 23.000 đồng được xem là hợp lý với các quy định hiện hành của pháp luật.

 - Ảnh 1

Sự khác biệt giữa thời điểm gửi tiền trước và sau năm 1985 đã khiến trường hợp của BIDV được xem là "ca" dễ hơn khi so với VietinBank. Ảnh: Tuổi trẻ.

Trường hợp giải quyết với khách hàng có sổ tiết kiệm năm 1983 của VietinBank cũng tương tự, khi tỷ lệ áp dụng quy đổi tiền cũng là 10:1, nên số dư sau ngày 1/8/1985 chỉ còn 27 đồng. Với phần gốc ít ỏi này, số tiền tất toán vào tháng 11/2014 của khách hàng chỉ là hơn 4.000 đồng.

Riêng khách hàng BIDV lại không thuộc các trường hợp phải quy đổi tiền như trên, bởi thời điểm gửi tiền là sau năm 1985. Số tiền này sau khi được tính đủ lãi kỳ hạn, sẽ được chuyển thành các khoản gửi quá hạn, chịu chi phí quản lý nhưng được nhận thêm lãi suất không kỳ hạn (hiện là 0,8%/năm với tiền đồng và 0,2% với USD) trên tổng số tiền lãi và gốc cộng dồn (hoặc không cộng dồn).

Theo đó, tổng số tiền lãi và gốc của các khoản gửi bằng tiền đồng đến ngày 10/12/2014 là 164,67 triệu đồng, và khoản tiết kiệm ngoại tệ là hơn 10.422 USD. Do đó, khách hàng của BIDV được nhận số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, dù thời hạn gửi chỉ là 15 năm, ngắn hơn nhiều so với hai trường hợp của khách hàng VietinBank.

Tuy nhiên, cùng thực hiện đúng các nghiệp vụ và quy định trong ngành ngân hàng, nhưng cách xử lý của VietinBank và BIDV lại được xem là "một trời một vực". Theo một chuyên gia về thương hiệu, trong trường hợp này, người làm thương hiệu giỏi của ngân hàng không thể từ duy máy móc như một nhân viên kế toán.

"Đó có thể đã là một cơ hội vàng cho VietinBank, bởi có rất nhiều cách để tất toán cuốn sổ mang tính kỷ niệm lòng yêu nước của những con người trong cả một thời kỳ. Có lẽ, BIDV đã rút được kinh nghiệm từ bài học của Vietinbank, và cũng vì họ may mắn hơn với trường hợp gửi tiền không vướng các quy định của năm 1985", vị này chia sẻ.

Câu chuyện xử lý các nghiệp vụ cứng nhắc một cách có tình trong trường hợp những cuốn sổ tiết kiệm hoặc những khoản nợ ngân hàng có "tuổi thọ" hàng chục năm cũng khiến nhiều độc giả thắc mắc. Theo anh Nguyễn Mạnh, một độc giả tại Hà Nội, về lý, BIDV và VietinBank đang thực hiện đúng các nghiệp vụ của họ.

"Tính toán một cách tương đối, khách hàng BIDV được nhận số tiền gấp 1,5 lần so với số tiền gốc gửi vào, còn VietinBank là khoảng 20 lần. Tuy nhiên, nếu đổi lại đây là một khoản nợ, như vụ việc của ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thông trước đây, khách vay sẽ phải trả 75 triệu đồng cho số dư nợ gốc 6.000 đồng trong 15 năm. Cũng tính một cách tương đối, ngân hàng được nhận lại số tiền gấp 12.500 lần. Liệu đó có phải là chính sách công bằng và có tình?", độc giả Nguyễn Mạnh nhận xét.

Theo : Báo Tri thức trực tuyến

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý