Viễn cảnh ô tô nhập giá rẻ, sản xuất ô tô trong nước 'chết yểu'

sisi sisi @sisi

Viễn cảnh ô tô nhập giá rẻ, sản xuất ô tô trong nước 'chết yểu'

Theo lộ trình Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, giá ô tô nhập sẽ giảm xuống 0%. Như vậy, viễn cảnh ô tô nhập giá rẻ sẽ không còn xa vời và nguy cơ sản xuất ô tô trong nước chết yểu đã hiện hữu.

18/04/2015 04:03 PM
982

   - Ảnh 1

Tương lai nào cho ngành sản xuất ô tô nội địa của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Theo Vietnamnet, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô trong dài hạn, trong đó có lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với ôtô chở người trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với ôtô chở người sẽ giảm dần từ 50% hiện nay xuống còn 40% vào năm 2016, còn 30% vào năm 2017 và còn 0% vào năm 2018.

Không chỉ dừng lại ở đó, sắp tới, Việt Nam sẽ phải thực hiện một loạt lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô. Theo cam kết WTO, tất cả các loại ô tô cắt giảm mức thuế nhập khẩu từ 100% xuống 70%, sau 7 năm kể từ khi gia nhập. Theo Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi đàm phán xong và gia nhập, dự kiến đến năm 2026, thuế nhập khẩu ôtô chở người trong khối cũng sẽ cắt giảm còn 0%.

Những thông tin này khiến một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cho rằng cách thích nghi tốt nhất là ngừng sản xuất, chuyển sang nhập khẩu về để phân phối. Thậm chí, ngay cả khi thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện ô tô giảm về 0% trong thời gian tới, thay vì lắp ráp trong nước thì nhập khẩu nguyên chiếc sẽ là phương án tiết kiệm nhân công và thời gian tối đa.

Theo tính toán, một chiếc xe nhập khẩu có giá khai báo 10.000 USD, sẽ giảm giá khoảng 1.650 USD so với hiện nay. Với những xe có giá khai báo nhập khẩu càng cao thì càng giảm được nhiều.

Hiện nay, để nhập một xe ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam, cước vận chuyển đã có bảo hiểm chỉ khoảng 400 USD, từ Nhật Bản về khoảng 500 USD. Trong khi đó, nhập linh kiện để lắp ráp còn phải "gánh" rất nhiều chi phí liên quan... sẽ tốn kém hơn nhiều. Tính ra nhập khẩu "dễ xơi" hơn đầu tư sản xuất.

Như vậy khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm sẽ khiến cho giá một số mẫu xe nhập khẩu bằng giá của xe lắp ráp trong nước, thậm chí còn rẻ hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc ngành sản xuất ô tô trong nước có thể "chết yểu".

Và thời điểm điều này trở thành sự thật, thì có lẽ người được hưởng lợi nhiều nhất là khách hàng khi vừa có nhiều lựa chọn theo ý muốn vừa mua được xe với giá rẻ hơn so với hiện tại.

Viễn cảnh "đen tối" của ngành sản xuất ô tô của Việt Nam càng rõ hơn khi mới đây, Toyota Việt Nam cho biết hãng đang cân nhắc có nên ngừng sản xuất ô tô khi thời điểm thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc bằng 0%, sắp tới gần theo lộ trình giảm thuế của ASEAN.

Video tham khảo:

Chiêu trò gắn biển số giả đưa ô tô về Việt Nam tiêu thụ

Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam thừa nhận cho tới nay, Toyota Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về việc có nên tiếp tục sản xuất tại Việt Nam, dù năm 2015 sẽ là thời điểm công ty buộc phải quyết định bởi thông thường để sản xuất một mẫu xe sẽ cần thời gian chuẩn bị là 3 năm. Trong khi theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN đến năm 2018, mức thuế này sẽ giảm xuống bằng 0%.

Nếu chính phủ Việt Nam không có những chính sách thiết thực và hiệu quả để "cứu cánh" thì liệu rằng ngành ô tô nội địa có "chết yểu"?

Kiều Hương (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý