Vợ 'bầu' Kiên xuất hiện sớm tại phiên toà ngày 28/11

mesu mesu @mesu

Vợ 'bầu' Kiên xuất hiện sớm tại phiên toà ngày 28/11

Từ rất sớm, vợ bầu Kiên tới tại Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội. An ninh được bố trí dày đặc tại toà án nhân dân tối cao toà phúc thẩm tại Hà Nội.

28/11/2014 10:41 AM
11,907

Theo lịch xét xử, ngày 28/11, tòa phúc thẩm TAND Tối cao đưa vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm các tội: Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trốn thuế và kinh doanh trái phép ra xét xử phúc thẩm.

 - Ảnh 1

Ngày 9/6/2014, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù.

Chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm là thẩm phán Đặng Bảo Vịnh. Phiên tòa tiến hành xét xử theo kháng cáo của 6 bị cáo trong tổng số 8 bị cáo của vụ án. Các bị cáo có kháng cáo gồm: Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn, Lê Vũ Kỳ và Phạm Trung Cang. Bị cáo Lê Vũ Kỳ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Từ sớm, bà Đặng Ngọc Lan (vợ "bầu Kiên") cũng đã có mặt trước cổng tòa án để làm các thủ tục vào phiên tòa xét xử chồng mình.

Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, từ khoảng 7h, Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Á Châu bị xét xử trong vụ án đã được dẫn giải đến Tòa.

Không chỉ đông bị cáo, người liên quan, các luật sư bào chữa, thân nhân bị cáo mà còn rất nhiều người quan tâm đến vụ đại án này đã có mặt tại phiên tòa phúc thẩm này.

Tuy nhiên, chỉ có những người liên quan, nhân chứng, luật sư có tên trong danh sách tòa triệu tập mới được phép vào dự tòa. Có tổng cộng khoảng 40 người đại diện của các cơ quan báo chí được cấp thẻ vào tham dự, đưa tin phiên tòa này.

Nguyễn Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ ngân hàng Vietinbank, đã bị kết án chung thân trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Vietinbank) cũng được triệu tập tới dự phiên tòa với tư cách người liên quan.

 - Ảnh 2

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên có mặt tại Toà từ sớm. (Ảnh báo Hà Nội mới)

Vụ án đã được TAND Hà Nội xử sơ thẩm trước đó nhưng do có 6 bị cáo kháng cáo bản án nên được đưa ra xét xử tại phiên phúc thẩm này. Gồm có:

- Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB)

- Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB)

- Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB)

- Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB)

- Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB)

- Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên hội đồng quản trị ACB).

Hai bị cáo đã bị xử tại cấp sơ thẩm là Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) không có kháng cáo.

 - Ảnh 3

Khoảng 8h, vợ bầu Kiên di chuyển vào phiên toà. (Ảnh báo Tuổi Trẻ)

Theo đơn kháng cáo của bị cáo Lê Vũ Kỳ, bị cáo có vai trò thụ động trong việc ban hành các nghị quyết của Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB. Bị cáo chưa có điều kiện tham gia các chương trình đào tạo về quản lý kinh tế và chưa được học các kiến thức chuyên sâu về CNTT. Do đó, hiểu biết và nhận thức của bị cáo về các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước còn nhiều hạn chế.

Điều này đã dẫn đến sai phạm khi bị cáo đồng ý với chủ trương đầu tư cổ phiếu và ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác. Tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo đã nhận thức rõ các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng ACB và mong tòa phúc thẩm chiếu cố hoàn cảnh của bị cáo về tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh tật… để cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Phạm Trung Cang kháng cáo kêu oan về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đơn kháng cáo của bị cáo Cang cho rằng, vào thời điểm ngày 31/10/2010, bị cáo Cang đã làm đơn từ nhiệm Hội đồng quản trị, thường trực Hội đồng quản trị tại Ngân hàng ACB để bị cáo Cang sang làm việc tại Ngân hàng Eximbank.

Vì vậy từ ngày 1/1/2011, bị cáo Cang không còn chịu trách nhiệm về những hoạt động diễn ra tại ACB. Trong khi đó, việc 19 nhân viên của ACB đi gửi tiền tại Vietinbank xảy ra từ tháng 6-9/2011. Do vậy, bị cáo Cang cho rằng sai phạm này không thuộc về trách nhiệm của bị cáo Cang...

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm vì cho rằng bản án sơ thẩm đã kết án oan. Bị cáo Kiên đề nghị cấp phúc thẩm đánh giá lại các chứng cứ buộc tội và xem xét toàn diện các chứng cứ gỡ tội cho bị cáo Kiên.

Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm ngày 9/6/2014, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt Nguyễn Đức Kiên tổng cộng 30 năm tù về cả 4 tội danh trên.

Ngoài án phạt tù, bị cáo Kiên còn bị tuyên buộc nộp phạt bổ sung 75 tỉ đồng do trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo.

Trong tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 bị cáo: Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị phạt 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị phạt 5 năm tù.

Ở nhóm bị cáo bị kết tội về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) bị phạt 5 năm tù và Trịnh Kim Quang 4 năm tù; Lý Xuân Hải 8 năm tù, Phạm Trung Cang 3 năm tù, Huỳnh Quang Tuấn 2 năm tù.

Ngay sau phiên xử, Nguyễn Đức Kiên cùng nhiều bị cáo lập tức kháng án. Cho rằng mình không phạm tội cả 4 tội danh bị cáo buộc, Nguyễn Đức Kiên đề nghị cấp phúc thẩm đánh giá lại các chứng cứ buộc tội và xem xét toàn diện các chứng cứ gỡ tội cho bản thân.

Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên cùng Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây thiệt hại 718,9 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM, chiếm đoạt.

Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, ngày 2/1/2009, thường trực HĐQT ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) để mua cổ phiếu ACB. Chủ trương này trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỷ đồng. Cáo trạng lần 2 đã truy tố 2 bị can Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ về hành vi này.

Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên còn thành lập 6 công ty do chính ông ta làm chủ tịch HĐQT/ hội đồng thành viên, gồm: Công ty CP Phát triển sản xuất - Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP Đầu tư thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Á Châu và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.

Về hành vi trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, bầu Kiên đã trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng.

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, lấy 264 tỷ đồng, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB.

Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.600 tỷ đồng.

Gia Huy (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý