Võ sư mù thổi sáo trúc và lớp học đường quyền dưới mưa

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Võ sư mù thổi sáo trúc và lớp học đường quyền dưới mưa

(ĐSPL) Cuộc sống của võ sư Nguyễn Kim Hoàng (SN 1978, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đã dang dở những ước mơ, dự định về nghề nghiệp và niềm đam mê chỉ vì bệnh tật

15/04/2016 07:48 AM
24

(ĐSPL) - Cuộc sống của võ sư Nguyễn Kim Hoàng (SN 1978, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đã dang dở những ước mơ, dự định về nghề nghiệp và niềm đam mê chỉ vì bệnh tật. Nhưng ở anh vẫn cháy bỏng tình yêu với võ học, những dự định cho tổ ấm và ước mơ thắp lửa đam mê võ thuật cho cô con gái nhỏ…

Võ sư mù thổi sáo trúc và lớp học đường quyền dưới mưa - Ảnh 1Phóng to

Võ sư mù Nguyễn Kim Hoàng 

Lớp học thắp lửa

Sau cuộc hẹn, chúng tôi gặp võ sư Nguyễn Kim Hoàng vào một ngày mưa phùn đầu tháng 4. Trước sân nhà thể thao đa năng của đại học Ngoại ngữ Hà Nội, những ngày này mưa phùn rơi nhưng những đợt mưa bụi ấy không làm giảm đi nhiệt huyết của người thầy và những người học trò đến với võ thuật.

Những đường quyền vẫn được đi đều và mạnh mẽ dưới mưa. Lớp học ấy có cả những cháu thiếu nhi, các bạn sinh viên và cả những người đã có gia đình. Lớp học võ miễn phí của anh đến nay đã hoạt động được 14 năm với cả trăm học viên.

Anh bảo, họ đến với võ thuật không chỉ với mong muốn rèn luyện sức khỏe mà các học trò của anh đến với lớp học miễn phí này còn để có những nụ cười, sự cảm thông của tình thầy trò.

Tranh thủ thời gian khởi động của học viên, anh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. Trước khi vào chuyện, anh Hoàng chia sẻ: “Trước hết tôi muốn mọi người coi tôi như một người bình thường. Bản thân tôi cũng không có gì đặc biệt, phi thường gì cả, tôi chỉ là một người bình thường bị mù mắt”.

Anh nói một cách cương nghị như thế, nhưng chúng tôi biết rằng cuộc sống bệnh tật, họan nạn không từ một ai và nó đã gây cho anh nhiều khổ ải. Nhưng với anh, cuộc sống hiện tại đã đi qua những ngày gian khó nhất. Anh đã vượt qua tất cả những vất vả ấy bằng nghị lực của bản thân và những lời động viên của bè bạn.

Cũng đã hơn hai mươi năm ngày anh dành niềm đam mê cho pencak-silat và cũng đã 14 năm dạy võ với những ước vọng và đam mê về một cuộc sống thật đẹp. Thế nhưng năm 2010, căn bệnh Lupus ban đỏ đã khiến hai mắt anh bị mù vĩnh viễn và phải đi lọc thận.

Cuộc đời anh phải sang một ngã rẽ mới: Anh bắt đầu cuộc sống của một người tàn tật. Khi nói về quãng đời khó khăn ấy, anh Hoàng thẳng thắn: “Rất may, thời điểm khó khăn nhất tôi cũng đã xác định mình phải làm gì trước bạo bệnh. Khi bác sỹ nói về khả năng bị mù vĩnh viễn, ngay lập tức, tôi đã phải đấu tranh với bản thân để vượt qua được nỗi sợ hãi của màn đêm và tập luyện. Từ lúc sáng mắt, đặt mình vào vị trí của một người chưa sáng mắt, khiến tôi chủ động hơn trước khó khăn”.

Võ sư mù thổi sáo trúc và lớp học đường quyền dưới mưa - Ảnh 2Phóng to

Lớp học của võ sư Hoàng tại đại học Ngoại ngữ Hà Nội. 

Khi chúng tôi trò chuyện, các môn sinh lần lượt đến. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi từng môn sinh đến, anh đều đọc chính xác tên từng người kèm theo đó là lời hỏi thăm động viên đầy hài hước.

Khi được hỏi, anh cười: “Nhớ hết chứ, các bạn ở trên lớp rất tự giác đ ô n g thời rất cởi mở, hay tâm sự nên nhiều lúc vừa là thầy dạy võ kiêm luôn tư vấn tình cảm...”.

Có những học viên lấy vợ, sinh con đi làm xong quay lại tập cùng, anh vẫn nhận ra. Chúng tôi ngạc nhiên tại sao anh làm được điều kỳ diệu đó, anh bảo, đấy là bằng tình cảm và bằng lửa của lớp học này thôi...

Ước mơ ngày hạnh phúc

Nói về cuộc sống gia đình, anh bảo mình vẫn là người chồng, người cha và cũng vẫn có dự định và có ước mơ. Trước hết, anh dự định mình sống thật khỏe, thật tươi và thật có ích để những người thân của anh có động lực hơn.

Từ khi có bảo hiểm, việc lọc máu của anh đã đỡ hơn rất nhiều nhưng còn đó những nỗi lo. Vợ anh, chị Tố Lan, cũng là một võ sư và cũng từng có những lớp học rất đông môn sinh. Thế nhưng, từ ngày anh bị bạo bệnh, chị đã phải tạm gác niềm đam mê võ thuật để chạy chợ, lo kinh tế, chạy chữa cho chồng.

Trong lúc kể chuyện về vợ, anh đùa vui: “Tôi đã hát tặng vợ bằng câu hát: Và em đã là người... đàn ông của đời anh...”.

Sau câu hát là nụ cười hóm hỉnh nhưng vẫn có đâu đó sự xót xa. Con gái anh năm nay cũng đã học lớp 4, anh kể về con gái bằng niềm tự hào. Rồi anh lại kể về dự định tổ ấm hạnh phúc của mình.

Dù bị bệnh nhưng anh vẫn mơ một ngày mình có thể sửa lại căn nhà 10m2 trên phố Đội Cấn của mình. Ngôi nhà được xây bằng lớp gạch bavanh (gạch vồ) mà chính tay anh đóng khi còn là một cậu bé học phổ thông.

Cha anh là thương binh 2/4, lại cao tuổi nên ước mơ sửa nhà đành gác lại cho anh. Anh vừa nói, vừa đưa tay minh họa cho dự định về tổ ấm. Anh sẽ chuyển cái này đi chỗ kia, sửa lại mái trần, căn lại cái bếp... anh kể với chúng tôi say sưa bằng bản thiết kế vẽ trên tấm đệm của lớp học võ.

Đang nhiệt thành vẽ ước mơ bỗng dưng anh dừng lại nói: “Nhưng cái gì thì cái, mình phải khỏe mạnh đã. Mình là đàn ông mà, không khỏe mạnh thì khó thực hiện được cái gì lắm...”. Giữa chúng tôi bỗng dưng có một khoảng lặng trong cuộc trò chuyện. Khoảng lặng ấy được anh xóa tan bằng câu chuyện về con gái.

Cũng trong câu chuyện ấy, anh lại nói về ước mơ. Lần này là một ước mơ bình dị hơn, ước mơ của một người cha dành tình cảm cho thiên thần bé bỏng của mình. Anh nói, anh đang đợi đến lúc có được một chiếc kính có thể giúp những người bị mù như anh sẽ nhìn thấy bên ngoài dù chỉ là đen trắng thôi và cũng chẳng cần xa lắm, “vài ba mét là được”.

Anh nói về sự chờ đợi ấy bởi anh mới được một tổ chức từ thiện tặng một chiếc kính có thể cảm nhận được không gian xung quanh. Tuy nhiên, chiếc kính này có một hạn chế nhỏ là không cảm nhận được đường đi dưới chân. Khi có được chiếc kính có thể cảm nhận được như anh nói, anh sẽ uốn nắn đường quyền cho con gái mình bởi cháu có “gene” võ học từ bố và mẹ.

Nhưng bố thì vậy mẹ thì chạy chợ nên hiện, con gái anh vẫn phát triển một cách rất tự nhiên. Xen vào câu chuyện về con gái, anh nói về một chuyến đi biển, chuyến đi của cả nhà. Anh sẽ đưa con gái đi dạo trên cát và nói về những nơi anh từng đi qua lúc còn sáng mắt.

“Mình đi nhiều rồi, điều tiếc nuối nhất trước lúc mắt không nhìn thấy là không thể có một chuyến đi với gia đình đến một bờ biển đẹp như Nha Trang chẳng hạn...”, anh ngậm ngùi.

Chúng tôi hơi ngạc nhiên vì trong khi chờ đợi học trò đến lớp, anh tranh thủ “phụ đạo” thêm cho học trò sáo trúc. Từ trước đến nay mọi người chỉ biết đến Nguyễn Kim Hoàng với vai trò một võ sư chứ ít ai biết đến một “nghệ sỹ sáo” thực thụ.

Võ sư pencak-silat Nguyễn Kim Hoàng là cựu thành viên đội tuyển pencak- silat quốc gia. Năm 2015, cựu vận động viên Nguyễn Kim Hoàng là 1 trong 9 cá nhân được vinh danh trong lễ trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) tổ chức. Hiện, anh đang mở 2 lớp học võ miễn phí tại đại học Ngoại ngữ Hà Nội và trường THCS Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Năm 2010, anh Nguyễn Kim Hoàng bị Lupus ban đỏ khiến anh bị mù cả hai mắt. Tuy hỏng mắt, nhưng anh vẫn thường xuyên tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác nhau.

TRẦN PHƯƠNG

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý