Vụ 3 trẻ em tử vong tại Khánh Hòa: Trung tâm OSCA hoạt động trái phép

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Vụ 3 trẻ em tử vong tại Khánh Hòa: Trung tâm OSCA hoạt động trái phép

Congly.vn Sau sự cố 3 trẻ em tử vong trong chương trình phẫu thuật nụ cười nhân đạo, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã có nhiều biện pháp xác minh, làm rõ và phát hiện nhiều lỗ hổng trong quản lý của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA).

29/08/2014 10:34 AM
571

Sự cố đau lòng

Ngày 23/8, đoàn khám chữa bệnh từ thiện của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA, Hà Nội) tiến hành phẫu thuật từ thiện cho trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch tại Bệnh viện Quân y 87. Đây là lần thứ ba (mỗi năm một lần), trung tâm thực hiện phẫu thuật này. Có 11 bệnh nhân được lựa chọn để phẫu thuật. Điều đáng tiếc xảy ra là ba trẻ đã thiệt mạng.

Lúc 14g20 ngày 24/8, bé Nguyễn Quang Minh (14 tháng tuổi, ở P.Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Trước đó không lâu, bé Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (11 tháng tuổi, ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) cũng tử vong tại bệnh viện này. Nạn nhân thứ ba là bé Pi Năng Tuấn Hữu (16 tháng tuổi, người Răklay, ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh).

Người mẹ đau đớn vì mất con

Theo giám đốc Bệnh viện Quân y 87, OSCA chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt chuyên môn, các bác sĩ, thầy thuốc của đoàn từ trực tiếp gây mê, phẫu thuật, cung cấp thuốc men, theo dõi bệnh nhân sau khi mổ. Bệnh viện Quân y 87 chỉ cho mượn phòng mổ, phòng điều trị và trang thiết bị để mổ.

Trước khi gây mê để phẫu thuật, cả ba bệnh nhi gặp nạn đều được ghi nhận “tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nhịp tim bình thường, thông khí phổi rõ, không ho, không sốt, không khó thở...”. Nhưng khi đưa vào phòng mổ chuẩn bị phẫu thuật thì cả ba bệnh nhi đều bị tím, suy hô hấp nặng “sau khi khởi mê”, phải lần lượt chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu.

Bệnh nhi Nguyễn Ngọc Tuyết Vân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lúc 9g47 ngày 23/8 trong tình trạng “hôn mê sâu, nặng nhất, ở dạng đã chết não; đồng tử giãn, mạch không, huyết áp không đo được...” và chưa đầy 4 giờ sau, cháu Vân tử vong.

Cháu Pi Năng Tuấn Hữu vào cấp cứu với dấu hiệu “co giật tay, chân, thiếu ôxy não, suy tuần hoàn...” phải thở máy liên tục, suy gan, suy thận nặng. Bệnh nhi Nguyễn Quang Minh được chẩn đoán “suy tuần hoàn, hô hấp nghi do sốc phản vệ với thuốc gây mê”. Chưa kịp chuyển đi TP.HCM theo yêu cầu của gia đình thì cháu Minh tử vong.

Hoạt động của OSCA không phép

Sau khi nhận được thông tin 3 trẻ tử vong sau phẫu thuật nụ cười tại Bệnh viện Quân y 87, tối 25/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã yêu cầu các đơn vị đình chỉ ngay hoạt động phẫu thuật nhân đạo mà OSCA đang thực hiện và các hoạt động phẫu thuật nhân đạo khác của Trung tâm trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị Cục Quân y, Bộ Quốc phòng phối hợp với Sở Y tế Khánh Hòa và các cơ quan chức năng khẩn trương thành lập Hội đồng chuyên môn kiểm thảo tử vong, làm rõ nguyên nhân, kiểm tra quy trình thực hiện kỹ thuật; niêm phong các thuốc, vật tư y tế sử dụng trong quá trình phẫu thuật; kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực trong việc tổ chức phẫu thuật nụ cười tại Bệnh viện Quân y 87 theo quy định hiện hành; báo cáo bằng văn bản về Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP Hà Nội cần làm rõ việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đăng ký hành nghề của cá nhân và giấy phép hoạt động của Trung tâm OSCA theo quy định của Luật Khám chữa bệnh.

Bác sỹ Phạm Văn Ái, Chủ tịch Trung tâm OSCA   Ảnh: Viết Hảo

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, trong Luật Khám chữa bệnh có quy định về khám chữa bệnh nhân đạo. Theo đó, các cơ quan tổ chức, cá nhân khi tham gia khám chữa bệnh từ thiện, nhân đạo tại địa phương nào thì phải được sự đồng ý của địa phương đó. Cơ sở thực hiện khám chữa bệnh từ thiện cũng phải có đủ điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất; người thực hiện các kỹ thuật này phải được cấp chứng chỉ hành nghề, hoạt động theo đúng chuyên khoa được đào tạo. Theo ông Nguyễn Huy Quang, quy trình phẫu thuật hở hàm ếch tuy đơn giản nhưng phải có quy trình cụ thể. Thuốc sử dụng trong phẫu thuật, gây mê phải có số đăng ký và được phép lưu hành.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra thủ tục hành chính, chứng chỉ hành nghề của các nhân viên tham gia phẫu thuật; giấy phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm OSCA; khẩn trương báo cáo về Bộ Y tế và UBND Thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của phòng Y tế quận Đống Đa, Giám đốc Trung tâm OSCA chính là ông Phạm Văn Ái, người từng bị khởi tố vì nâng ngực trái phép khiến 1 phụ nữ tử vong năm 2011. Địa chỉ hoạt động của Trung tâm OSCA trước đây là Thẩm mỹ viện Hà Nội, cũng do ông Phạm Văn Ái làm giám đốc.

Trung tâm này được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp phép hoạt động trong lĩnh vực “Chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học thẩm mỹ và tạo hình”.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay- ngày 26/8, Sở Y tế Hà Nội chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực Phẫu thuật thẩm mỹ của Trung tâm trên.

Như vậy, về mặt pháp lý, Trung tâm này không có chức năng triển khai thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, ngày 23/8 đơn vị này vẫn mổ mở hàm ếch từ thiện cho 11 trẻ, trong đó 3 trẻ tử vong sau khi được gây mê tại Khánh Hòa. Vì thế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu UBND phường Phương Mai, phòng y tế Quận Đống Đa tiếp tục giám sát hoạt động của trung tâm trên.

Được biết, hiện cơ quan công an đã vào cuộc điều tra vụ việc 3 trẻ tử vong sau mổ hàm ếch từ thiện do Trung tâm OSCA phối hợp với Bệnh viện y 87 tổ chức tại Khánh Hòa.

Riêng danh sách và chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ, phía OSCA đã gửi cho Sở Y tế Khánh Hòa, nhưng qua kiểm tra sau sự cố, danh sách có 1 bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề. Sở Y tế Khánh Hòa đã yêu cầu phía OSCA báo cáo sự việc, nhưng nội dung báo cáo của Trung tâm này không đạt, trong đó có nội dung về quy trình gây mê, phẫu thuật.

Nghi vấn do thuốc gây mê

Nhiều ý kiến cho rằng nghi vấn ban đầu có khả năng do khâu gây mê, cụ thể là do thuốc gây mê, nhưng chưa rõ loại thuốc nào. Chiều 26/8, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), có cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để làm rõ vụ ba cháu bé tử vong khi phẫu thuật miễn phí sứt môi, hở hàm ếch.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Ái, Chủ tịch Trung tâm OSCA  trình bày: Để phẫu thuật cho 56 trẻ trong hai ngày 23 và /, chương trình đã chuẩn bị hai bàn mổ. Sau khi cháu bé đầu tiên được gây mê và tai biến, ông Ái và một số bác sĩ cho rằng có thể do phương tiện, máy móc gây ra nên đã thay bàn mổ. Tuy nhiên, cháu bé thứ hai được gây mê vẫn tiếp tục bị tai biến...

Ông Lương Ngọc Khuê đặt ra hàng loạt câu hỏi với ông Ái: Có kiểm tra sức khỏe các cháu trước khi gây mê không? Có chuẩn bị ở giai đoạn tiền mê không? Sử dụng những loại thuốc gì, nguồn gốc thuốc từ đâu, giữa OSCA và BV Quân y 87 hợp đồng, bàn giao, kiểm tra thuốc như thế nào?… Trả lời các câu hỏi này, ông Ái nói: “Có thực hiện nhưng chưa thể giải đáp cụ thể”.

Với cách trả lời này, ông Khuê yêu cầu OSCA phải khẩn cấp báo cáo cụ thể diễn biến sự việc, các loại thuốc đã sử dụng, danh sách bác sĩ gây mê đối với từng trường hợp… Ông Lương Ngọc Khuê nói: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến tên tổ chức OSCA. Tôi đề nghị OSCA báo cáo cụ thể nguồn gốc của tổ chức này do cơ quan nào thành lập, hoạt động như thế nào, giấy phép do ai cấp…” .

Theo ông Phạm Văn Ái, OSCA được thành lập năm 2007, hiện trực thuộc Sở KH&CN TP Hà Nội, có địa chỉ đặt tạm tại nhà riêng của ông Ái ở 257B3 Giải Phóng, Hà Nội. Hoạt động của OSCA chủ yếu do các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tài trợ, có một bác sĩ nước ngoài tham gia. “Khi chúng tôi tổ chức hoạt động chuyên ngành nào thì xin phép cơ quan quản lý ở đó. Hiện nay chưa có quy định riêng về khám, chữa bệnh nhân đạo nên khi tổ chức hoạt động này chúng tôi phải lên hỏi trực tiếp một cán bộ lãnh đạo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nhờ tư vấn miệng” - ông Ái nói.

Trao đổi với báo chí, một cán bộ Phòng Quản lý Dược (Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa) nói: “Tôi nghiêng về nguyên nhân gây tai biến là ở khâu bảo quản thuốc có vấn đề. Qua theo dõi, các loại thuốc sử dụng gây mê cho các cháu trong chương trình phẫu thuật này đều là những loại thuốc phải bảo quản lạnh. Hiện nay, do nắng nóng gay gắt nên nhiệt độ ở khu vực này rất cao. Nếu không bảo quản đúng, thuốc sẽ sinh ra chí nhiệt tố. Đây là nguyên nhân gây ra sốc phản vệ khi sử dụng các loại thuốc này. Tất nhiên, tất cả các cháu được gây mê cùng một loại thuốc nhưng có những lọ khác nhau. Rất có thể ba cháu tử vong đã dùng chung một lọ thuốc. Kho thuốc của BV Quân y 87 thuộc Bộ Quốc phòng nên lâu nay Sở Y tế không kiểm tra”.

Hiện OSCA chưa báo cáo cụ thể quy trình gây mê, sử dụng thuốc gì, danh sách bệnh nhân, danh sách bác sĩ gây mê, phẫu thuật đối với từng trường hợp…

Thuốc gây mê nào?
 
Người thực hiện gây mê cho hai bé có tai biến dẫn đến tử vong, nói đã sử dụng hai loại thuốc gây mê là Servofrane và Fresofol (Propofol) được lưu trữ tại Bệnh viện Quân y 87, có hạn sử dụng đến năm 2016.
 
Tuy nhiên, theo danh sách thuốc và vật tư tiêu hao cho cuộc phẫu thuật được OSCA gửi báo cáo cho Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thì hai loại thuốc gây mê là Fresofol 1% và Fentanyl 500mcg. Đây là những loại thuốc yêu cầu bảo quản hết sức nghiêm ngặt, phải được giữ trong nhiệt độ từ 2-25độ C và không được đông lạnh. Nếu việc bảo quản không được đảm bảo thì các thành phần hóa học trong thuốc chuyển hóa, dẫn đến hình thành nên những chất lạ, khi tiêm truyền hoặc chích có thể dẫn đến sốc phản vệ.

 

 

Trần Đức

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý