Vụ án Bùi Thị Thu Hằng và đồng bọn chiếm đoạt 230 tỉ đồng: Tại sao Prudential không phải bồi thường cho bị hại?

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Vụ án Bùi Thị Thu Hằng và đồng bọn chiếm đoạt 230 tỉ đồng: Tại sao Prudential không phải bồi thường cho bị hại?

Congly.vn Một trong những vấn đề nóng nhất, được báo chí và người dân quan tâm nhất trong các phiên tranh tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, cũng là nội dung kháng cáo lên Tòa cấp phúc thẩm là Prudential phải có nghĩa vụ bồi thường cho bị hại hay không?

11/07/2014 09:33 AM
1,599

Nhưng kết luận của cả hai cấp Tòa vẫn là không có căn cứ yêu cầu Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam phải bồi thường cho người bị hại.

Đặt ra ngoài động cơ của những người bị hại cố “buộc tội” Prudential bằng mọi cách với hi vọng lấy lại số tiền đã mất, có một số ý kiến vẫn cho rằng Prudential   phải có trách nhiệm trong vụ việc này.

Vì vậỵ, có lẽ cũng cần thiết phải  nêu lại những cơ sở pháp lý trong các phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm cũng như tòa cấp phúc thẩm để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về vụ án này, thông qua đó giúp nâng cao nhận thức về bản chất của ngành bảo hiểm nhân thọ, cảnh giác trước các chiêu lừa đảo tương tự.

"Siêu lừa" Bùi Thị Thu Hằng bị tuyên y án chung thân và bồi thường 211 tỉ đồng cho các bị hại (Ảnh: NLĐ)

Bùi Thị Thu Hằng không phải là nhân viên Công ty Prudential

Theo Điều 29.2 (e) Nghị định 45/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27/3/2007 (sửa đổi bằng Nghị định 123/2011 ngày 28/12/2011) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm về những thiệt hại hay tổn thất do hoạt động đại lý bảo hiểm của mình gây ra theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm. Theo hợp đồng đại lý đã ký giữa Prudential và Bùi Thị Thu Hằng thì đại lý là người kinh doanh độc lập, không phải là nhân viên của Công ty; hợp đồng đại lý không phải là hợp đồng lao động (Điều 12). Hơn nữa, đại lý phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình đối với mọi hành vi vượt quá sự ủy quyền của Công ty (Điều 1). Đại lý không có quyền ký kết các hợp đồng bảo hiểm, không có quyền bán các sản phẩm không phải của Công ty, không có quyền cam kết thay cho Công ty.

Cụ thể hơn, theo điểm c, khoản 2, Điều 29 Nghị định 45 nêu trên thì công ty bảo hiểm chỉ có nghĩa vụ thực hiện các trách nhiệm phát sinh theo hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký kết. Bị cáo Hằng và đồng phạm đã lợi dụng danh nghĩa của Prudential, tự đặt in ấn và sử dụng tài liệu, giấy tờ giả mạo, gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Cá nhân bị cáo Hằng cùng đồng phạm làm thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể ràng buộc Công ty phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân ngoài hoạt động của Công ty.

Những người bị hại không phải là khách hàng của Prudential

Tại phiên tòa phúc thẩm, Prudential nêu quan điểm của mình là sẵn sàng bồi thường thiệt hại với những người bị hại xuất trình được hợp đồng hợp pháp đã ký với Prudential. Tuy nhiên trên thực tế, không có một hợp đồng bảo hiểm với công ty Prudential được ký kết. Những người bị hại ký vào các hợp đồng giả do Bùi Thị Thu Hằng tạo dựng (in theo mẫu và scan chữ ký, con dấu của Công ty bảo hiểm), và họ cũng không có nguyện vọng giao kết, không bỏ tiền ra mua những sản phẩm bảo hiểm hợp pháp được Prudential công bố rộng rãi trên Website chính thức, trên các tờ rơi, niêm yết tại Văn phòng giao dịch (vì các sản phẩm hợp pháp này không đủ sức hấp dẫn như “Hợp đồng VIP” của Bùi Thị Thu Hằng dụ dỗ với lãi suất cao khó tưởng trong thời gian ngắn).

Không có bất kỳ tài liệu nào thể hiện Prudential đã chấp nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm với các bị hại theo quy định tại Điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm. Do đó, Prudential không thể chịu trách nhiệm với các Hợp đồng bảo hiểm không thuộc bất kỳ loại sản phẩm bảo hiểm nào do họ thiết kế, không được đăng ký và chấp thuận bởi Bộ Tài chính, không được giao kết, không thu tiền và không phát hành Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Bài học cảnh tỉnh

Xã hội và công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì những thủ đoạn lừa đảo cũng càng tinh vi. Chính vì vậy bên cạnh việc quản lý, ngăn chặn của cơ quan chức năng, sẽ không bao giờ là thừa khi nhắc lại những bài học để người dân luôn đề cao cảnh giác.

Bài học lớn nhất là người dân cần cảnh giác trước những món hời lớn mà kẻ lừa đảo đã “đánh” vào sự nhẹ dạ cả tin, vào sự thiếu hụt những kiến thức cơ bản về kinh doanh và tài chính của người dân. Trong vụ Bùi Thị Thu Hằng ở Quảng Ninh, chỉ cần đặt ra câu hỏi: “có thể kinh doanh gì để trả được mức lãi khủng khiếp 500 triệu tiền lãi cho 1 tỉ trong 3 tháng?”, thì có lẽ đã tránh được những hậu quả nặng nề. Hơn nữa đây là ngành kinh doanh bảo hiểm, mục đích cơ bản là để bảo vệ tài chính cho người mua bảo hiểm trước những rủi ro trong cuộc sống, vì vậy mà không ở đâu và không bao giờ bảo hiểm nhân thọ có mức lãi suất mà các công ty bảo hiểm nhân thọ trả cho khách hàng cao như vậy.

Phán quyết nghiêm minh của Tòa án là sự cảnh tỉnh cho những ai tin vào những kẻ lừa đảo như Bùi Thị Thu Hằng. Phán quyết này cũng đã ngăn chặn một tiền lệ và cảnh báo cho những người có tư tưởng thủ thế rằng nếu mình bị lừa, thì sẽ có những doanh nghiệp như Công ty Prudential chịu trách nhiệm bồi thường.

Phán quyết về việc Prudential không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do người lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp để lừa đảo gây ra không chỉ mang ý nghĩa trừng trị mà quan trọng hơn là ý nghĩa cảnh báo, răn đe cho không chỉ các bị cáo.

Minh Quang

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý