Vụ lừa người xin việc hốt bạc tỷ: "Cứ việc báo công an..."

mesu mesu @mesu

Vụ lừa người xin việc hốt bạc tỷ: "Cứ việc báo công an..."

(ĐSPL) Mặc dù người xin việc bị dính quả lừa đầy cay đắng nhưng để đòi lại được số tiền ấy không phải là chuyện dễ dàng. Thậm chí, nhiều người còn bị hăm dọa, thách thức khi quay lại công ty Cổ phần vận tải Hòa Phát yêu cầu làm cho ra nhẽ.

28/04/2015 10:30 AM
401

Cửa đóng then cài trốn người xin việc

Khi đến kêu cứu với PV báo Đời sống và Pháp luật, ngoài việc tố công ty Cổ phần thương mại đầu tư vận tải Hòa Phát lừa đảo thu tiền của người có nhu cầu xin việc, anh Đậu Hải H. (Nam Đàn, Nghệ An) còn cho biết thêm: Biết bị lừa đảo nhưng khi đòi lại tiền thì không dễ dàng gì.

Vụ lừa người xin việc hốt bạc tỷ: "Cứ việc báo công an..." - Ảnh 1Phóng to

Sau khi có nhiều người đến đòi lại tiền, nhân viên đóng cửa văn phòng rồi vội vã chuồn thẳng.

“Hôm bọn em nộp tiền đặt cọc vào công ty, có nhiều lao động đến từ các nơi như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hải Dương… cũng đến xin việc và nộp số tiền tương ứng. Khi biết bị lừa, bọn em quay lại đòi tiền thì họ bảo muốn giải quyết gì phải sau 45 ngày nữa. Nhiều người có ý định báo công an nhưng nghĩ mình đến đây lạ nước lạ cái nên bấm bụng ra về”, anh Đậu Hải H. cho biết.

Sau khi nhóm PV, CTV báo Đời sống và Pháp luật thâm nhập vào công ty ma này, nhiều nội dung tố cáo của nhóm lao động người Nghệ An dần được sáng tỏ. “Họ thu tiền mình thì dễ chứ đừng mơ mà đòi lại được số tiền ấy”, Nguyễn Sỹ Q. quả quyết với chúng tôi như vậy, sau khi đã lỡ nộp vào công ty số tiền 2,5 triệu đồng bảo lãnh trách nhiệm. Sau khi hành chúng tôi bằng những thủ đoạn như đòi hỏi giấy tờ vô lý, đặt ra những yêu cầu ngoài thỏa thuận từ trước nhằm mục đích ép ứng viên phải bỏ cuộc nhóm người của công ty đuổi chúng tôi ra về và hẹn ngày hôm sau quay lại nói chuyện.

Ngày hôm sau, 9/4, tôi và Nguyễn Sỹ Q. cùng bà Nguyễn Thị M. tới địa chỉ số 207 Trần Cung để làm việc với công ty về chuyện thanh lý hợp đồng theo lịch hẹn của nữ nhân viên ở đây. Đúng hẹn, chúng tôi có mặt nhưng người này lại lấy lý do kế toán công ty chưa xuống đây được nên lùi lịch hẹn vào buổi chiều hôm ấy. Mặc dù bà M. vẫn hy vọng lần này sẽ được giải quyết dứt điểm, lấy lại được số tiền mà con trai bà đã lỡ đặt cọc nhầm chỗ ở đây, nhưng điều ấy đã không xảy ra. Khi tôi thắc mắc vì sao lại khất hẹn, nữ nhân viên cáu gắt: “Có lý do thì mới hẹn lại buổi chiều chứ, kế toán không đến thì lấy ai làm việc với các anh” rồi bảo chúng tôi ra về.

Mất công bỏ việc đồng áng từ Hoài Đức lên đây, bà M. tỏ ra bức xúc vì bây giờ quay về cũng dở mà ở lại chờ đến chiều cũng chả biết có được việc hay không. Trong lúc chờ bà M. quyết định, chúng tôi ra quán nước gần đối diện với văn phòng công ty này thì gặp vài lao động cũng đến đây để đòi lại tiền. Anh Lê Văn S. (Thủy Nguyên – Hải Phòng) cho biết, anh xin vào làm lái xe ở đây và cũng phải nộp số tiền 3 triệu đồng. “Tôi biết đòi lại tiền ở đây là rất khó, nhưng tôi muốn làm um lên để cảnh báo cho người khác đừng sập bẫy ở đây nữa”, người này bức xúc nói.

Chiều 9/4, chúng tôi có mặt ở công ty Hòa Phát. Tiếp chúng tôi vẫn là hai nhân viên ấy, những người đã nhận hồ sơ, thu tiền, trả hồ sơ và khất hẹn những người lao động suốt thời gian qua. Đến lúc này thì chúng tôi tin rằng, chả có công ty nào cả, thực chất chỉ có hai người này dựng lên văn phòng để lừa đảo người có nhu cầu tìm việc mà thôi. Có chăng, họ liên minh ma quỷ với vài người khác để tạo sự tin cậy cho người lao động ví dụ như người đàn bà ở bãi xe số 766 đường Phúc Diễn.

Tiếp chúng tôi, vẫn là nét mặt “đâm lê” của nữ nhân viên này. Cô ta tiếp tục “câu giờ” bằng việc thông báo kế toán công ty bận nên không đến đây được, vì thế hẹn mọi người vào dịp sau. “Nếu muốn khiếu nại hợp đồng, rút tiền thì sau 45 ngày nữa chúng tôi mới giải quyết”, người này quả quyết.

Lúc này, biết bị lừa đảo trắng trợn và đặc biệt là cách “lật kèo” của nhân viên này, bà Nguyễn Thị M. lên tiếng: “Cô thu tiền của con trai tôi và những người lao động đến đây. Chúng tôi không biết và không cần biết người kế toán nào hết, cô thu tiền thì giờ cô phải trả tiền lại”. Đáp lại, nữ nhân viên vẫn giữ bộ mặt lạnh tanh nhắc lại điều vừa nói: “Sau 45 ngày nữa mới giải quyết”.

Sau câu nói đó, nhiều người đều lên tiếng phản đối và yêu cầu phải trả lại tiền, nhưng nhân viên ở đây vẫn một mực không chấp nhận. Sau một lúc tranh cãi, bỗng đâu xuất hiện một tốp thanh niên xăm trổ trà trộn vào những người đến đòi tiền và có ý hăm dọa họ. Phía bên ngoài, một vài thanh niên trông “máu mặt” khác đi lại lảng vảng trước số nhà 207 Trần Cung. Sự xuất hiện của nhóm người này đặt ra câu hỏi: Họ là ai, liệu có phải là những người bảo kê cho công ty này và sẵn sàng ra tay với những nạn nhân cứng đầu?

Sau khi chúng tôi bị đẩy ra khỏi công ty, hai nhân viên của công ty này lập tức khóa trái cửa và lấy xe máy rời khỏi địa điểm này, mặc cho nhiều lao động la ó, bực tức.

“Cứ việc báo công an…”

Trong khi tranh cãi với người của công ty này, bà M. cho biết sẽ mang sự việc ra cơ quan công an nếu như không trả lại số tiền đã thu của con trai bà, tuy nhiên nữ nhân viên ở đây thách thức “cô cứ việc báo công an”.

Vụ lừa người xin việc hốt bạc tỷ: "Cứ việc báo công an..." - Ảnh 2Phóng to

Trước đó, khi được hỏi vì sao không báo công an, anh Đậu Hải H. giải thích “Số tiền không phải lớn nên sợ công an họ không giải quyết, với lại khi thu tiền họ không có biên lai nên giờ không có giấy tờ gì chứng nhận họ đã thu tiền của người lao động”. Chính sự cáo già trong việc giăng bẫy người tìm việc làm như vậy nên không ít người đã phải ngậm ngùi coi mấy triệu đồng là tiền “học phí”.

Ngày hôm sau, bà M. cùng anh Nguyễn Sỹ Q. đến trình báo sự việc với Công an phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm – Hà Nội), cán bộ trực ban ở đây cho biết, sẽ tiếp nhận vụ việc, tuy nhiên sẽ rất khó để giải quyết. “Họ bảo với chúng tôi, việc nộp tiền là tự nguyện và khi nộp tiền không có hóa đơn, chứng từ làm bằng chứng nên rất khó để giải quyết. Muốn tố cáo, các anh phải có bằng chứng để chứng minh họ đã thu tiền, đã lừa đảo các anh như thế nào. Họ bảo vậy thì chúng tôi đành chịu”, anh Q. kể lại.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Công an phường Cổ Nhuế 1 cho biết, đã có vài trường hợp tương tự anh Nguyễn Sỹ Q. đến trụ sở công an trình báo về việc họ nộp tiền vào công ty Hòa Phát và có dấu hiệu bị lừa đảo. Tuy nhiên, cái khó của cơ quan công an là người đến tố cáo không có bằng chứng cụ thể, tất cả chỉ là nói mồm, không có hóa đơn chứng từ thể hiện việc họ đã nộp tiền vào đó.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo đồng chí cảnh sát khu vực tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty này. Đặc biệt, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực trên. Nếu có việc gây rối hay hành vi đe dọa tới người đến xin việc làm ở đây, hãy báo ngay cho công an để phối hợp giải quyết”, vị này nói.

Lừa đảo người thất nghiệp là tội ác

Theo luật sư Trần Văn Đức (Giám đốc công ty luật Trường Sa, đoàn Luật sư TP.Hà Nội), nếu không có bằng chứng thì khó làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những nhân viên này. Vì thế, trước khi cơ quan chức năng vào cuộc người lao động nên cảnh giác và tự bảo vệ chính mình. “Người thất nghiệp không có tiền, nhiều người phải vay mượn sống qua ngày, vay tiền để xin việc, nhiều người còn ở bước đường cùng vậy mà họ nhẫn tâm nhắm vào những con người chỉ sống bằng hy vọng kiếm được một công việc chân chính, sống bằng sức lao động của mình. Với tôi đó cũng là một tội ác”, luật sư Đức nói.

HÀ KHÊ

Xem thêm clip: Nhận làm hồ sơ nhà đất, xin việc để chiếm đoạt 13 tỷ đồng


 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý