Vụ ông Chấn: Vì sao những người giúp Chung không bị xử lý?

mesu mesu @mesu

Vụ ông Chấn: Vì sao những người giúp Chung không bị xử lý?

Do thời hiệu truy cứu đã hết nên các cơ quan tố tụng không thể khởi tố rất nhiều khuôn mặt bị cho là đã thoát lưới trong vụ án Lý Nguyễn Chung.

29/09/2014 01:35 PM
812

Theo tin tức nhận được, ngày 29/9, tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử Lý Nguyễn Chung, kẻ đã xuống tay sát hại chị Nguyễn Thị Hoan, khiến ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ngồi tù oan sai 10 năm.

Sau khi thư ký thông báo số người được triệu tập, mời đến dự tòa, HĐXX bắt đầu kiểm tra căn cước. Theo báo cáo của thư ký phiên tòa, bà Hội, mẹ nạn nhân (chị Hoan) và các luật sư không có mặt tại tòa, và có đơn xin hoãn phiên tòa. Giới chuyên gia dự đoán, phiên toà này sẽ không có nhiều kịch tính vì các tình tiết vụ án khá rõ ràng, bị cáo thành khẩn nhận tội. Do thời điểm phạm tội Lý Nguyễn Chung chưa đủ 16 tuổi nên mức án cao nhất mà bị cáo phải nhận chỉ đến 12 năm tù. Phiên toà dự kiến diễn ra trong một ngày do bà Ngọc Thị Vui - Thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang làm chủ toạ.

Bà Hội - mẹ nạn nhân không có mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa. Luật sư của đại diện người bị hại cũng đề nghị trả hồ sơ để làm rõ quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng. Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang giữ quyền công tố tại phiên toà đồng ý với ý kiến của luật sư để đảm bảo quyền lợi cho bên bị hại.

Sau khi hội ý, thay mặt HĐXX, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Ngọc Thị Vui đã tuyên bố hoãn phiên tòa vì lý do đại diện bị hại là bà Hoàng Thị Hội vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa.

Phiên tòa sẽ được mở trở lại, tuy nhiên chưa TAND tỉnh Bắc Giang chưa có lịch cụ thể.

 - Ảnh 1

Lý Nguyễn Chung tại toà.

Chung có thể không bị truy cứu nếu bị phát hiện muộn hơn

Theo Khoản 3 Điều 8 BLHS, các tội phạm mà Chung bị khởi tố, truy tố và xét xử đều là các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, theo quy định tại Điều 23 BLHS, thời hiệu truy cứu TNHS đối với Chung là 20 năm, tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

Mặc dù Chung đã có hành vi trốn tránh nhưng vì hành vi giết người và cướp tài sản của Chung không bị phát giác và không có lệnh truy nã.

Do đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 BLHS, nếu trong thời gian trốn tránh mà Chung không phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì qua 20 năm, 30 năm sẽ hết thời hiệu truy cứu TNHS đối với Chung. Khi đó, theo quy định tại Điều 107 Bô luật TTHS các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không thể khởi tố vụ án, cũng như xử lý TNHS đối với Chung.

Xét về tâm lý tội phạm thì hành vi trốn tránh của Chung là phản ứng tự nhiên của tội phạm. Trách nhiệm chứng minh tội phạm và người phạm tội thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được Chung là thủ phạm mà lại điều tra, truy tố và xét xử oan với ông Chấn là lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, Chung chỉ có hành vi là bỏ trốn vào Đắc Lắc sinh sống, không hề có dùng bất kỳ thủ đoạn nào khác nhằm che giấu tội phạm. Do đó, khó có thể áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.” theo quy định tại Điểm O Khoản 1 Điều 48 BLHS đối với Chung.

Với việc ra đầu thú, Chung sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 BLHS.

Những người tiếp tay sẽ bị xử thế nào?

Được biết, trong phiên toà xét xử Lý Nguyễn Chung chỉ có một mình bị cáo ra trước vành móng ngựa, ngoài ra không còn ai khác liên quan. Mặc dù trước đó cơ quan tố tụng đã khởi tố cha của Chung là ông Lý Văn Chúc về tội “Đe dọa giết người” do có lời nói, đe dọa giết bà Lành khi bà này dọa tố giác hành vi của Chung ra cơ quan pháp luật.

Tuy nhiên, sau đó ông Chúc được đình chỉ điều tra do hành vi chỉ mang tính bột phát, trong lúc tức giận vì bà Lành đã tố cáo việc Chung phạm tội. Hiện bà Lành đã có đơn đề nghị không xử lý hình sự ông Chúc và hiện tại hai vợ chồng họ vẫn sống cùng nhau nên cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Chúc.

 - Ảnh 2

Ông Lý Văn Chúc (bố đẻ Chung).

Các tội mà Chung thực hiện đều là các tội đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, hành vi của những người thân trong gia đình, biết việc Chung có hành vi giết người và cướp tài sản nhưng đã không tố giác, giúp đỡ Chung bỏ trốn là có dấu hiệu cấu thành “Tội che giấu tội phạm” theo quy định tại Điều 313 BLHS và “Tội không tố giác tội phạm” theo quy định tại điều 314 BLHS. Tuy nhiên, từ khi vụ án xảy ra (ngày 15/8/2003) đến ngày Chung ra đầu thú (ngày 25/10/2013) đã là hơn 10 năm.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 8 BLHS, hành vi phạm “Tội che giấu tội phạm” và “Tội không tố giác tội phạm” của những người này là tội phạm ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng. Do đó, theo quy định tại Điều 23 BLHS, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (05 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng và “10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng” đã hết.

Anh Lý Văn Phúc còn có hành vi nhận 02 chiếc nhẫn do Chung cướp được, rồi đi vay tiền giúp Chung trốn vào Đắk Lắk. Hành vi này của anh Phúc còn có dấu hiệu cấu thành “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại Điều 250 BLHS. Tuy nhiên, anh Phúc đã chết (khoảng năm 2005)

Chính vì vậy, theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 7 Điều 107 của Bộ luật TTHS, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy cứu TNHS đối với những người này.

Còn những người tiến hành tố tụng mà làm sai thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về một vụ án khác. Trên thực tế thì các cơ quan có thẩm quyền cũng đang tiến hành điều tra và xử lý những người có liên quan đến sai phạm này.

Tuệ Lâm (Tổng hợp)

Xem thêm video clip : Clip xử án: Bị đánh, gọi đồng bọn mang súng, kiếm đến tận nhà để “nói chuyện”

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý