Vụ ôtô lao ruộng: Có thể khởi tố xe không dừng cứu giúp

mesu mesu @mesu

Vụ ôtô lao ruộng: Có thể khởi tố xe không dừng cứu giúp

Những người dân trực tiếp tham gia cứu hộ cho biết: Lẽ ra, sẽ không ai chết nếu các xe chạy ngang dừng lại hỗ trợ, cứu người.

23/09/2014 11:59 AM
1,408

Liên quan đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại ấp 5 (xã Tân Lập, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An) khiến 4 người tử vong hôm 22/9, những người dân trực tiếp tham gia cứu hộ cho biết: Lẽ ra, sẽ không ai chết nếu các xe chạy ngang dừng lại hỗ trợ, cứu người.

Sự vô tâm của người đi đường

Theo anh Trương Văn Tuấn, chủ nhà ngay vị trí xảy ra vụ tai nạn kể lại trên báo Công an nhân dân: Lúc đó khoảng 5h sáng, cả nhà tôi đã thức dậy, con gái chuẩn bị đi làm. Tôi bỗng giật mình nghe thấy tiếng động rất mạnh và có sự va đập nhau. Tôi liền chạy ra đường quan sát thì nhìn thấy một chiếc xe ô tô lật úp dưới cái ao nước cặp mé lộ, phần đầu chúi xuống đáy, phần đuôi đang chìm từ từ...

Lúc này có cả ông Sáu Hồng kề nhà tôi lội xuống ao, cố mở cửa xe nhưng không mở được. Trong lúc vô cùng nguy cấp, vợ tôi chạy bộ lại một ngôi nhà cách vài trăm mét để kêu cứu hàng xóm giúp đỡ. Tôi thì hoảng hốt đứng ngay mặt đường, đưa tay ngoắc các xe chạy ngang qua xin họ giúp đỡ người và xe bị nạn.

Anh Tuấn nhớ lại, có 2 chiếc xe chở khách loại 12 và 16 chỗ chạy ngang qua nhìn thấy, tài xế giảm tốc độ chạy chậm lại quan sát. Tôi mừng quá hét lên “Cứu người, cứu người…”, nhưng họ chỉ nhìn nhìn một cách thờ ơ rồi tăng tốc chạy luôn.

Chúng tôi bất lực nhìn chiếc xe xấu số chìm dần, cho đến lúc chỉ còn nhô 4 cái bánh lên khỏi mặt nước. Khoảng gần 10 phút sau, có một chiếc xe thứ 3 dừng lại, tài xế rất khẩn trương vác ống tuýp sắt lội xuống để phá cửa, lúc này có hàng chục người dân cũng chạy lại lật chiếc xe lên nhưng....

 - Ảnh 1

Anh Trương Văn Tuấn, người đã chạy ra đường xin cứu giúp xe bị nạn nhưng bị thờ ơ (Ảnh CAND).

Theo VNexpress.net, bà Nguyễn Thị Lài ở gần đó hay tin chạy đến cũng gắng sức kêu các xe dừng lại để hỗ trợ cứu các nạn nhân nhưng không được nên chạy khắp nơi gọi bà con. 

Ông Sáu Hồng cũng ở gần hiện trường cho biết: "Nghe tiếng hô hoán tôi chạy đến nơi thì chiếc xe đang lật ngửa, chỉ còn phần đuôi nổi trên mặt nước. Tôi nghe có tiếng kêu cứu yếu ớt trong xe nhưng lúc ấy không biết làm gì để cứu họ”.

“Đến gần 30 phút sau tôi lại thấy có chiếc xe chạy tới, lần này thì bác tài đã dừng lại”, anh Tuấn kể.

Trong khi ông Hồng cùng vài người khác kéo chiếc xe nghiêng sang một bên thì người tài xế tốt bụng lấy cây sắt trong xe khách chạy xuống cùng những người còn lại phá kính ôtô 4 chỗ kéo các nạn nhân ra ngoài.

Tuy nhiên, cả 4 người đều đã tử vong. Nhiều người đã kêu lên thảng thốt, rơi nước mắt khi nhận ra các nạn nhân là gia đình bác sĩ Giang.

 - Ảnh 2

Hiện trường vụ ô tô lao ruộng.

Có thể khởi tố hình sự những người không cứu giúp

Nếu như những nhân chứng kể lại, những ô tô mà bỏ mặc không cứu giúp nạn nhân có thể bị xử lý theo pháp luật về hành vi bỏ mặc của mình.

Bỏ mặc người gặp tai nạn giao thông rơi vào thế nguy hiểm thì nhiều nhưng xử lý những kẻ vô cảm thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cách đây 3 năm, TAND huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Bình, SN 1985, quê Hải Phòng, về hành vi không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Quy định tại điểm đ khoản 3 điều 11 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP  ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì: Hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức.

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm. Đó là: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. (Quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Khung hình phạt cao nhất của tội này là từ 1 - 5 năm theo quy định tại Khoản 2 Điều 102 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Nhìn ở góc độ đạo đức, xã hội, những hành động dửng dưng trước sự nguy hiểm của người khác, thái độ ấy đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm mới mong răn đe, phòng ngừa chung. Nhìn cái cách người lớn cư xử chúng ta lại thêm buồn khi so sánh với hành động của những trẻ em quên thân để cứu giúp người khác.

Như trường hợp của em Lê Văn Được, SN 1998, quê Nghệ An phát hiện và cứu được 5 bạn đuối nước; em Nguyễn Sỹ Phúc, SN 1996 – quê Nghệ An, tử nạn vì quên mình cứu bạn. Phúc xứng đáng với Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm mà Trung ương Đoàn đã trao tặng. Hành động dũng cảm của các em nhỏ khiến người lớn phải thán phục. Tự hào về lớp trẻ bao nhiêu thì chúng ta lại thêm nhức lòng trước thái độ của các lái xe vô cảm.

Tuy nhiên trong thực tế, việc xử lý người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn nhiều khó khăn bởi lẽ phải xem xét cẩn trọng các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người.

Người có hành động không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng phải nhận thức được tình trạng nguy hiểm của nạn nhân thì mới phạm tội này. Nếu người đó nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội.

Theo tin tức trước đó, để khắc phục và phòng ngừa những vụ tai nạn giao thông tương tự, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Long An (lãnh đạo tỉnh) tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người chết trong vụ tai nạn này.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Trưởng ban An toàn giao chỉ đạo Công an tỉnh Long An chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông để tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự trên địa bàn tỉnh.

Về phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu đơn vị này chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải Long An kiểm tra, rà soát hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu, rào hộ lan trên tuyến quốc lộ 62 để bổ sung, khắc phục kịp thời những bất cập, bảo đảm an toàn giao thông cho phương tiện tham gia giao thông.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

Xem thêm video clip : Bắt cóc, hành hạ, nghi vấn hiếp dâm đứa bé 14 tuổi

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý