Vụ sập hầm thủy điện: Rơi nước mắt 12 công nhân gặng hỏi lúc nào được cứu

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Vụ sập hầm thủy điện: Rơi nước mắt 12 công nhân gặng hỏi lúc nào được cứu

Khi lực lượng cứu hộ nói chuyện với người bên trong, có người đã rơi nước mắt khi công nhân bên gặp nạn gặng hỏi lúc nào được cứu ra ngoài.

19/12/2014 10:31 AM
1,009

Liên quan đến sự cố sập hầm dẫn nước công trình thuộc thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng xảyra lúc 7h ngày 16/12 khiến 12 công nhân đang mắc kẹt. Theo ghi nhận của PV báo Tiền Phong có mặt tại hiện trường, trên đỉnh đồi phía trên đường hầm có hai vị trí sụt lún khá sâu và xuất hiện từ khá lâu trước đây (cỏ cây đã mọc).

Ngoài ra, đoạn hầm đã thi công chỉ một số vị trí được kè, một số vị trí khác không được kè. Trả lời vấn đề này, ông Yên cho biết, đơn vị thi công kè một số vị trí đất yếu, còn vị trí đá thì không kè, đây là phương án thi công đã được duyệt, nên đơn vị phê duyệt sẽ chịu trách nhiệm.

Video: Sát cánh, hỗ trợ 12 nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng.

Thời điểm 22h, phóng viên đã trực tiếp vào hầm để chứng kiến công tác cứu hộ phía trong. Trong hầm ẩm thấp và lạnh, việc thở cũng khó khăn do không khí loãng và pha lẫn với khói máy phát điện và máy bơm. Lối vào hầm nước xăm xắp bắp chân. Cả đoạn hầm dài khoảng 500-600m, nhưng một số đoạn được gia cố bằng bê tông, lưới và khung thép, một số đoạn khác chưa được gia cố chỉ trơ đá. Nước từ mái đá rót xuống như mưa.

Có mặt tại vị trí hầm sụt, xung quanh khung sắt chống xiêu vẹo, đan chéo vào nhau, đã gỉ sét. Đây là vị trí hầm được gia cố bằng bê tông thép, nhưng đặc biệt hơn những đoạn hầm khác vì thép gia cố ở đây là thép vuông, thanh rộng khoảng 20cm, khác hẳn với những đoạn hầm được gia cố khác (chỉ dùng thép phi tròn, to như ngón chân cái).

 - Ảnh 1

Công nhân đang khẩn trương đào hầm vào vị trí sập. Ảnh: Tuổi trẻ

Công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương, với mong muốn sớm nhất đưa được những người bị nạn ra ngoài.
Tại vị trí sạt đất, loại đất sạt đang phong hóa, như người ta đem cát sỏi trộn đất, phóng viên cầm ít đất và nắm thật chặt, nước theo kẽ tay rỉ ra, nhưng vừa thả tay thì nắm đất cũng tơi theo. Khi lực lượng cứu hộ nói chuyện với người bên trong, có người đã rơi nước mắt khi công nhân bên gặp nạn gặng hỏi lúc nào được cứu ra ngoài.

Cùng lúc này, việc bơm cháo tiếp cho những công nhân mắc kẹt bắt đầu. Cháo được đổ vào ống ti ô, sau đó dùng lực khí nén bơm vào bên trong. Mọi liên lạc giữa người trong và ngoài được thông qua một ống khoan. Sau một hồi nói, nhân viên cứu hộ lại đặt tai vào ống để nghe người bên trong. Khoảng 30 phút sau việc bơm cháo kết thúc.

Anh Nguyễn Viết Nam (Nghệ An) nói vọng ra “Bao giờ mới hút hết nước? bao giờ mới được ra ngoài?”. Phía ngoài, những người cứu hộ chỉ biết yên lặng, rồi động viên “mọi người đang cố gắng để đưa mọi người ra ngoài sớm nhất”.

Anh Nam cũng thông báo, mực nước phía trong hầm vẫn ngang bụng. Sau một hồi trao đổi qua lại, nhiều khi tưởng như là hét với nhau, những người phía ngoài giọng như lạc đi.

Trao đổi trên báo Người lao động, Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng kiêm Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết tốc độ đào hầm bên trái tiến triển rất nhanh, kịp với tốc độ đào hầm bên phải, hiện đã đào được hơn 10 m. Ngoài ra, mũi khoan từ phía sau lên hầm đã thông và đang hút nước từ trong hầm ra. Hiện sức khỏe các nạn nhân bị sập hầm thủy điện vẫn ổn định.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chánh Thanh tra mỏ của Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam là người trực chỉ huy cứu hộ, cứu nạn trong đêm qua, cho biết tiến độ đào đường hầm bên phải đường hầm chính để đưa các nạn nhân ra ngoài trong đêm qua khá nhanh, được hơn 7m. Hiện tại đường hầm này đã được đào hơn 12m.

“Chúng tôi lo là hiện tượng bục nước cũng như sạt lở cát xảy ra, rất nguy hiểm, nhưng may mắn điều đó không xảy ra đêm qua. Với tiến độ này, đến đêm nay (19-12), chúng tôi có khả năng tiếp cận được các giải pháp để đưa các nạn nhân ra ngoài”, ông Thành nói.

 - Ảnh 2

Sáng 19/12, ngày thứ 4 triển khai ứng cứu 12 công nhân, công việc vẫn diễn ra hết sức khẩn trương. Ảnh: Dân trí

Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, cho biết, khó khăn lớn nhất khi đào ngách hầm bên trái là việc chống đỡ sạt trượt từ đỉnh đồi. Điều kiện địa chất không thuận lợi nên không thể đưa phương tiện cơ giới vào khoan hầm, chỉ có thể đào thủ công nên tốc độ không cao. Đại tá Hùng cho biết mực nước trong hầm sập hiện khoảng dưới 1m.

Tại hiện trường hôm nay trời hửng nắng. Điều kiện thời tiết tốt hơn đã ủng hộ công việc cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Xem thêm video vụ sập hầm khiến 12 công nhân bị vùi lấp.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý