“Vựa vải” lớn nhất miền Bắc liên tục tắc đường

mesu mesu @mesu

“Vựa vải” lớn nhất miền Bắc liên tục tắc đường

Trên tuyến quốc lộ 31, đoạn chạy qua “vựa vải” lớn nhất miền Bắc, những năm trở lại đây, đã thành thông lệ, cứ đến mùa vải là tắc đường…

19/06/2014 03:06 PM
1,037

Quan sát của phóng viên tại tuyến đường trục chính quốc lộ 31 đoạn thuộc địa phận huyện Lục Ngạn - Bắc Giang, tình trạng tắc đường xảy ra bắt đầu từ khi vải thiều vào chính vụ. Tình trạng ùn ứ giao thông thường xảy ra vào 6 - 7 giờ sáng, 1 - 2 giờ trưa. Đó là thời điểm từng đoàn xe tải, xe container và các phương tiện thu mua vải của bà con đổ về bốc, xếp hàng.

Được biết năm nay Lục Ngạn vào mùa vải sớm, từ 30/5. Còn vải chính vụ mới bắt đầu từ 4 ngày trước (bắt đầu từ 15/6). Theo thông báo từ UBND huyện Lục Ngạn, mùa vải hàng năm thường kéo dài đến gần 1 tháng. Và cứ đến dịp này, bà con, thương buôn và các phương tiện vận tải trung chuyển vải từ khắp Bắc Nam liên tục vào ra gây nên cảnh ùn ứ, tắc đường do các đầu mối giao thương đều nằm san sát bên quốc lộ.

Những xe vận chuyển, buôn bán vải dừng đỗ đông nghịt trên trên quốc lộ 31, đoạn thuộc địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Ông Đoàn Văn Nam - người trồng vải xã Phượng Sơn, Lục Ngạn - cho biết, mấy năm trở lại đây, hầu như năm nào cũng xảy ra tắc đường tại khu vực xã Phượng Sơn và những điểm thu mua lân cận, vì đây là những điểm tập kết và thu mua vải lớn nhất vùng Lục Ngạn. “Đối với bà con chúng tôi, câu chuyện tắc đường vì vải là câu chuyện bình thường, bởi hàng năm cứ đến dịp này thì đường chính và các tuyến đường nông thôn liên xã cũng bị tái diễn cảnh ùn ứ, chờ nhau để nhường đường cho phương tiên chở vải đi qua” - ông Nam nói.

Theo ông Nam, việc tắc đường theo những “khung giờ” định sẵn như vậy không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con địa phương. Vì những giờ cao điểm, việc tắc đường chỉ xảy ra trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, khi việc thu mua diễn ra xong thì mọi sinh hoạt trở lại bình thường.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tình trạng giao thông bị tắc nghẽn xảy ra thường xuyên nhất tại khu vực phố Kim, xã Phượng Sơn. Việc này diễn ra theo một “điệp khúc” cố định từ 6 giờ sáng, từng đoàn xe tải, xe container nối đuôi nhau kéo về thu mua vải, đỗ ven quốc lộ 31. Có những thời điểm lượng xe đỗ lại chờ bốc hàng lên tới hàng trăm chiếc.

Lúc này, từng đoàn xe máy “thồ” vải của bà con xuất hiện. Những chiếc xe “dã chiến” chở những sọt vải trĩu mọng, tươi ngon.

"Vựa vải" vào mùa khiến hàng ngàn phương tiện tham gia vận chuyển vải bị ùn ứ khá nghiêm trọng.

Việc thu mua chỉ diễn ra trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ là kết thúc. Đầu giờ chiều, “chợ” vải lại tấp nập trở lại và cũng chỉ kéo dài chừng hơn 1 giờ đồng hồ.

Theo lãnh đạo huyện Lục Ngạn, hiện trên địa bàn huyện có hai bộ phận thương lái đến thu mua vải trực tiếp tại địa phương, đó là thương lái nội địa và thương lái Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc thường thu mua giá cao hơn so với các thương lái nội địa, tuy nhiên, yêu cầu của họ cũng cao hơn rất nhiều. Những chùm nào có một quả bị nám hoặc thâm đen họ sẽ loại bỏ hoàn toàn. Với chùm vải to, đẹp, thương lái Trung Quốc sẵn sàng trả giá 19.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi giá thương lái nội địa chỉ thu mua với giá 15.000 - 17.000 đồng/kg. Những sản phẩm quả nhỏ, bị thâm, bà con chỉ bán với giá 7.000 - 8.000/kg.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn Lục Ngạn có khoảng 150 thương lái người Trung Quốc đến đăng ký tạm trú để thu mua vải.

Trao đổi với PV , ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang - cho biết, tình trạng ùn tắc nhẹ do hoạt động thu mua vải diễn ra trên tuyến quốc lộ 31 hầu như năm nào cũng xảy ra. Bằng những kinh nghiệm đã có qua các năm, ngay từ đầu vụ, địa phương đã có kế hoạch ra quân sát với vụ vải thiều. Chỉ đạo các ban ngành liên quan tiến hành sửa chữa đường giao thông để một phần phục vụ việc lưu thông được tốt hơn.

Một trong những lý do chính gây nên "thảm cảnh" tắc đường là do các thương buôn giao dịch tràn ra lòng đường.

Theo ông Tấn, địa phương năm nào cũng được sự hỗ trợ của lực lượng phòng cháy chữa cháy và CSGT công an tỉnh hỗ trợ trong công tác giảm thiểu ùn tắc trên địa bàn.

Về phía huyện cũng huy động lực lượng công an giao thông, đoàn viên thanh niên, công an viên và đoàn viên các xã triển khai lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự cũng như an toàn giao thông tại địa phương. Trong đó có sự hỗ trợ rất lớn từ lực lượng đoàn viên trong quân đội thuộc Sư đoàn 35 đóng tại địa bàn.

“Sau vụ vải năm nay, địa phương sẽ có một giải pháp rất triệt để, đó là quy hoạch một chợ tĩnh có quy mô 2,66 ha tại xã Phượng Sơn. Dự án này đã được duyệt quy hoạch và sẽ triển khai mở tuyến đường đôi 3km đi vào chợ. Nếu hoàn thành thì đó sẽ là giải pháp tối ưu nhất để giảm thiểu việc ùn ắc xảy ra trên tuyến quốc lộ 31” - ông Tấn cho biết.

Cũng theo ông Tấn, hiện trên địa bàn có hàng trăm điểm cân, trong đó có 327 điểm cân từ 10 tấn trở lên. UBND huyện đã chỉ đạo tới các xã thông báo đến tất cả các điểm cân phải có cam kết, giảm thiểu tối đa không cho các phương tiện đỗ xuống hành lang an toàn giao thông.

Tại hai điểm thu mua chính ở xã Hồng Giang và Phượng Sơn, lực lượng chức năng sẽ điều hành, phân luồn giao thông theo cách “đèn xanh đèn đỏ”. Cho phép từng chiều được lưu thông trong 15 phút và ngược lại. Dự báo trong những thời điểm đó cũng có những lái xe không có ý thức, vượt lên hoặc những xe container quay đầu khiến cho việc tắc đường cụ bộ trong một thời gian ngắn.

Theo Dantri.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý