“Vua” xiếc khỉ, NSƯT Tạ Duy Nhẫn: Cả đời kết mỗi chữ “duyên”

sakura1 sakura1 @sakura1

“Vua” xiếc khỉ, NSƯT Tạ Duy Nhẫn: Cả đời kết mỗi chữ “duyên”

(ĐSPL) Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) Tạ Duy Nhẫn, người giúp xiếc thú Việt thăng hoa say mê kể về những tháng ngày phiêu bạt cùng đoàn xiếc sang trời Tây biểu diễn.

07/02/2016 08:48 PM
18

(ĐSPL) - Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) Tạ Duy Nhẫn, người giúp xiếc thú Việt thăng hoa say mê kể về những tháng ngày phiêu bạt cùng đoàn xiếc sang trời Tây biểu diễn. Ông bảo, điều kiện để thành công trong nghề xiếc thú là sự bền bỉ, kiên nhẫn. Và, chính sự bền bỉ đó đã giúp ông được khán giả yêu mến cùng với những bạn diễn không biết nói tiếng người.

Đam mê tiếng vỗ tay

Chúng tôi đến thăm NSƯT Tạ Duy Nhẫn (SN 1954, nguyên trưởng đoàn xiếc Thú - Liên đoàn Xiếc Việt Nam) vào một ngày cuối năm bận rộn tại căn nhà nhỏ ở khu tập thể 18K Bách khoa, Hà Nội. Nói chuyện với chúng tôi, ông nhớ lại mối nhân duyên đến với nghề xiếc thú.

Cha ông là Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Hiển, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành xiếc Việt Nam. Có lẽ cũng vì thế mà ông Nhẫn đến với xiếc khi chỉ mới 5 tuổi. Ông học và biểu diễn xiếc với các tiết mục cầu bật, ghế trụ, cầu bật đôi... Năm 13 tuổi, ông Nhẫn được đi 7 nước Đông Âu để biểu diễn và trở thành một diễn viên xiếc trẻ tuổi có thể diễn thành thục những tiết mục khó nhất trên sân khấu. Đến năm 1978, khi đoàn xiếc Trung ương được tặng 11 chú ngựa, ông Nhẫn chính thức bước chân sang lĩnh vực xiếc thú, bắt đầu làm bạn và huấn luyện những chú ngựa bất kham. Sau đó, ông chuyển sang huấn luyện khỉ, những con vật thông minh và rất tinh nghịch.

“Vua” xiếc khỉ, NSƯT Tạ Duy Nhẫn: Cả đời kết mỗi chữ “duyên” - Ảnh 1Phóng to

NSƯT Tạ Duy Nhẫn thời còn trẻ, đi biểu diễn nhiều nơi (Ảnh nhân vật cung cấp).

Ông nhớ lại: "Khi đi biểu diễn tại 7 nước Đông Âu, tôi cũng được xem nhiều chương trình biểu diễn của các đoàn xiếc nước bạn. Điều khiến tôi tò mò và thích thú nhất vẫn là những con thú đáng yêu và thông minh như gấu, ngựa, trăn, rắn, đặc biệt là loài khỉ tinh nghịch. Sau này, với môn xiếc khỉ, tôi đã đi biểu diễn ở 51 thành phố tại Ba Lan trong vòng 9 tháng. Trong một liên hoan xiếc ở Ba Lan, đến tiết mục xiếc khỉ của Việt Nam, khán giả đứng lên vỗ tay không ngớt nên tiết mục đó được ban tổ chức (BTC) yêu cầu diễn lại tới ba lần. Cũng từ đó, tôi có biệt danh là Nhẫn “khỉ”.

Ông kể, sau mỗi tiết mục biểu diễn, khi thấy khán giả thích thú, những tiếng vỗ tay như vỡ cả sân khấu khiến cho vị giám đốc liên đoàn Xiếc Ba Lan ngỡ ngàng. Chính vì thế, vị giám đốc liên đoàn Xiếc Ba Lan đã sang Việt Nam đề nghị truyền lại kinh nghiệm biểu diễn tiết mục xiếc khỉ cho họ. Với ông Nhẫn, lời đề nghị đó là niềm tự hào. Họ tôn trọng thứ nghệ thuật mà ông đang theo đuổi, đó là những giây phút hạnh phúc mà người nghệ sỹ được tận hưởng.

Có lẽ, mối nhân duyên với nghề xiếc thú càng trở nên ý nghĩa khi ông Nhẫn là huấn luyện viên duy nhất được chứng kiến khỉ sinh nở. Trong một chuyến lưu diễn, tình cờ ông chứng kiến cảnh một con khỉ mẹ sinh con. Sau khi chú khỉ con chào đời, khỉ mẹ nằm mệt nhoài. Người chủ phải chích thuốc để khỉ mẹ hồi tỉnh lại. "Chứng kiến cảnh đó, tôi càng trân trọng con thú mà mình huấn luyện. Phải là người vô cùng gần gũi, am hiểu và bắt được vía của con thú thì nó mới nghe, hiểu và thực hành theo những động tác mình dạy", ông Nhẫn chia sẻ.

Bắt vía "nghệ sỹ khỉ"

Nói chuyện về nghề dạy thú, ông chia sẻ những ngày đầu gian khổ huấn luyện một con khỉ và những màn biểu diễn trực tiếp trên sân khấu. Hồi mới làm quen với những chú khỉ tinh nghịch, ông đã ngày đêm túc trực bên mấy chuồng nuôi khỉ ở rạp xiếc để cho chúng ăn. Vì chưa quen nên ngày ấy ông bị một con khỉ lớn có răng nanh cắn vào cánh tay, phải đi khâu mười mấy mũi. Đó là kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày ông chập chững bước vào nghề.

"Ngày đó, thỉnh thoảng tôi ra chợ Đồng Xuân mua những con khỉ vàng về để huấn luyện. Chúng rất đẹp và thông minh. Bây giờ loài khỉ này vô cùng hiếm. Để huấn luyện được một con khỉ cần rất nhiều thời gian. Mỗi một động tác huấn luyện nhanh nhất cũng phải mất từ 3-6 tháng mới có thể gọi là đạt chuẩn. Sau một năm thì con khỉ đó mới được biểu diễn trên sân khấu, nhưng phải hai năm sau chú khỉ mới có được một màn diễn thành thạo.

Chính vì thế, một huấn luyện viên xiếc khỉ cần phải dùng thời gian, tình cảm của mình để con thú có thể thẩm thấu được ý mà mình muốn truyền đạt. Khi con thú làm thành thạo được từng động tác thì đó mới là nghệ thuật. Phải đạt được đến độ khi nhìn thấy tôi, thấy động tác của tôi là con thú hiểu nó sẽ phải làm gì", ông Nhẫn tâm sự.

“Vua” xiếc khỉ, NSƯT Tạ Duy Nhẫn: Cả đời kết mỗi chữ “duyên” - Ảnh 2Phóng to

“Vua” xiếc khỉ, NSƯT Tạ Duy Nhẫn: Cả đời kết mỗi chữ “duyên” - Ảnh 3Phóng to

Ông Nhẫn đang kiên trì huấn luyện để những chú khỉ thành thạo từng động tác trên sân khấu (ảnh Thành Long).

Theo ông Nhẫn, muốn thành công trong nghề, huấn luyện viên phải biết tìm tòi, tự khắc phục những điểm yếu kém của từng con vật. Chỉ có kinh nghiệm nhiều, tập nhiều, nhạy cảm cao thì huấn luyện viên đó mới có thể bắt được vía của một "nghệ sỹ khỉ". Đặc biệt hơn, huấn luyện viên xiếc khỉ đòi hỏi sự bền bỉ nhưng cần phải có sáng tạo. Tập động tác khỉ đi xe đạp mất một năm, sau khi con vật đã lên sân khấu, người diễn viên còn phải mất thêm hai năm nữa để "nghệ sỹ khỉ" biểu diễn điêu luyện.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn thừa nhận, bản thân ông cũng có lúc nản hoặc bực tức vì con thú không chịu nghe lời và không làm được những động tác như mình mong muốn. Nhưng sau đó, ông mới biết mình sai, phải tìm hiểu vì sao nó không làm được rồi uốn nắn, chỉ bảo từ đầu.

Khi con thú làm được, người huấn luyện phải thể hiện sự vui mừng ngay cả trong giọng nói để nó hiểu được rằng đã làm đúng và con người coi nó như một thành viên trong gia đình. Có những buổi biểu diễn "bốc" quá, "nghệ sỹ khỉ" đi xe đạp bắt đầu phá, đội mũ lên thì nó cầm vứt đi, khán giả càng vỗ tay thì nó lại càng hào hứng thực hiện động tác đó. Vì thế, huấn luyện viên cần phải tinh nhanh để đưa con thú vào quỹ đạo.

“Trước khi học trò của mình lên sân khấu, tôi luôn vuốt ve, động viên tinh thần khích lệ nó. Tôi buồn khi một chú khỉ của mình ra đi. Nó bị bệnh viêm phổi. Khi tôi đi lưu diễn về thì nó đã rất mệt. Tôi gọi bác sỹ thú y đến tiêm rồi cho nó nằm nghỉ. Nhưng lúc đó, chú khỉ cứ sà vào lòng tôi. Và khoảng 30 phút sau, mắt nó lim dim rồi lịm dần", ông Nhẫn xúc động kể.

Đối với ông, trong nghề huấn luyện xiếc khỉ, chỉ cần nghe được những tiếng cười, tiếng vỗ tay của khán giả, được họ đón nhận thì bao nhiêu ngày tháng tập luyện vất vả cũng qua đi. Ông, người nghệ sỹ xiếc thú ấy đã đam mê tiếng vỗ tay đó mà theo đuổi cả đời.

Mong khán giả trở lại với xiếc

Trò chuyện với PV, có lúc giọng NSƯT Tạ Duy Nhẫn chùng xuống: "Xiếc bây giờ không còn hấp dẫn khán giả như thời kỳ trước. Những tiếng cười, sự ủng hộ của người dân dành cho xiếc không còn nhiều. Tôi mong một ngày không xa khán giả sẽ trở lại với xiếc, bởi tôi và các anh em trong nghề không bao giờ từ bỏ đam mê của mình".

MAI HẰNG

Mời độc giả xem thêm video Giải trí:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý