World Cup đặc biệt ở xóm 'tử thần'

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

World Cup đặc biệt ở xóm 'tử thần'

Vừa dắt chiếc xe đạp cọc cạch dựa vào góc tường, anh Tuấn nằm vật lên giường thở mệt nhọc sau một ca chạy thận kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ từ 19 giờ đến 23 giờ đêm.

11/07/2014 09:33 AM
824

Sự mệt mỏi hằn rõ trên khuôn mặt đen đúa, cánh tay chằng chịt những u cục vẫn còn đang rớm máu, thế nhưng đôi mắt anh vẫn cố hướng vào màn hình chiếc tivi đời cũ nhỏ xíu, vừa nằm vừa xem hết trận bóng.
Dù đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nhưng anh Tuấn và rất nhiều cư dân nghèo khác ở xóm chạy thận (phía sau Bệnh viện Bạch Mai) vẫn miệt mài với trái bóng World Cup với một dư vị riêng.

Cư dân xóm thận quây quần xem bóng đá trong đó có những người vừa mới kết thúc ca chạy thận, cánh tay còn quấn đầy bông gạc

World Cup về bên xóm thận

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở phố Lê Thanh Nghị, mấy tuần nay xóm chạy thận nghèo trở nên vui vẻ lạ thường. 23 giờ đêm, ánh đèn trong dãy trọ lụp xụp vẫn sáng choang. Đây là những ngày hiếm hoi các cư dân xóm thận thức thâu đêm cùng World Cup.

Đã đi qua hai mùa World Cup ở xóm thận này nhưng anh Tuấn luôn háo hức xem các trận đấu diễn ra dù bệnh ngày một nặng hơn, sức khỏe đã yếu đi nhiều. Quê ở Nam Định, trong suốt 10 năm chạy thận dài dằng dặc với nỗi lo cơm áo, mưu sinh đè nặng thì World Cup là giây phút hiếm hoi giúp anh quên đi bệnh tật, quên đi những nắm thuốc đầy ắp và những lần lọc máu tê buốt xưng tấy tay chân.

“Từ nhỏ đã rất đam mê bóng đá, sắp đến World Cup nên tôi và mấy anh em mỗi người góp vài chục ngàn mua chiếc tivi cũ xem cho vui”, anh Tuấn kể.

Vừa thấy tôi nhìn vào màn hình chiếc tivi, anh Tuấn vội thanh minh “nhìn cũ kỹ thế thôi nhưng mà vẫn xem được, âm thanh vẫn tốt chỉ có điều hơi nhiễu chút”. Thường ngày quần quật với đánh giày, bán nước, xe ôm… đến kỳ World Cup anh Tuấn tự cho phép mình nghỉ ngơi để xem bóng đá.

Còn với anh Nguyễn Thanh Sơn (28 tuổi, Thanh Hóa), năm nay là lần đầu tiên anh đón World Cup ở xóm thận. Đã 3 năm chiến đấu với căn bệnh quái ác, hằng ngày mưu sinh bằng nghề đánh giày và xe ôm kiếm những đồng bạc lẻ trang trải viện phí nhưng World Cup đến, anh Sơn đã sẻ một phần thời gian ít ỏi để theo dõi các trận đấu World Cup.

Anh tâm sự: “Thường ngày chúng tôi chỉ lo đến tiền ăn, tiền ở, tiền chữa bệnh đã choán hết khoảng thời gian ít ỏi. Nay có bóng đá mấy anh em vui lắm chỉ mong xong việc sớm để tụ tập đông đủ rồi phiếm luận”.

Xóm chạy thận có 124 người nhưng không phải phòng nào cũng có điều kiện mua tivi nên việc xem nhờ thường xuyên diễn ra. Cứ khoảng 23 giờ đêm, những cư dân yêu bóng đá trong xóm lại tụ tập vào một phòng có tivi vừa xem, vừa thì thầm bình luận rồi dự đoán tỷ số thắng thua. Có khi cao hứng cả xóm rủ nhau ra quán nước sát cạnh để thưởng thức trọn không khí bóng đá với màn hình lớn.

“Hôm nào có đá bóng tôi cũng mở đến sáng phục vụ các anh em. Quán rất đông, trong đó phần nhiều là các cư dân xóm chạy thận. Tôi mở chủ yếu phục vụ chính mình và mọi người nên không đặt nặng vấn đề kinh phí, ai uống nước thì trả tiền không thì thôi”, chủ quán nước tâm sự.

Một cư dân xóm thận, đằng sau là màn hình tivi đang tường thuật trực tiếp trận đấu

Anh Nguyễn Thanh Sơn (quê Thanh Hóa) và Nguyễn Mạnh Cường (quê Phú Thọ) xem World Cup ở phòng trọ lụp xụp

Dư vị riêng

Có lẽ tìm khắp Hà Nội cũng không nơi đâu có không khí xem bóng đá đặc biệt như ở xóm chạy thận, bởi lẽ ngay cả khi ở giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, tình yêu bóng vẫn hiện hữu như minh chứng cho khát khao sống và đam mê.

Có một quy tắc bất di bất dịch của xóm thận là xem bóng đá khuya phải im lặng, tránh làm ảnh hưởng đến nhiều bệnh nhân khác cần nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi chạy thận sớm.

Cứ như thế các cư dân xóm chạy thận vẫn cuồng nhiệt với bóng đá theo cách của riêng mình: Đóng kín cửa, mở âm thanh nhỏ nhất, giữ im lặng tuyệt đối. Thỉnh thoảng để thoát khỏi sự bức bách này các anh em trong xóm lại rủ nhau ra quán nước đầu ngõ để được tự do bàn luận, đưa ra các nhận định, dõi theo trận bóng.

Yêu bóng đá là thế, song đối với các cư dân ở xóm chạy thận xem bóng đá cũng phải đầy đủ thủ tục để đảm bảo sức khỏe. Trước khi xem bóng đá phải uống thuốc, và phải chuẩn bị sẵn thuốc để đề phòng lúc đang xem huyết áp lên cao, người mệt kịp uống ngay.

Anh Nguyễn Mạnh Cường (29 tuổi, Thanh Sơn, Phú Thọ), cư dân xóm thận kể, vì sức khỏe yếu nên mỗi đêm chỉ dám xem 1 trận lúc 23 giờ, nhiều hôm đang xem bóng phải bỏ về giữa chừng vì choáng váng mệt mỏi. Có hôm chưa tới giờ trận bóng bắt đầu đã thấy chóng mặt.

“Bốn năm mới có 1 lần, chẳng biết thế nào mà giữ gìn sức khỏe, bệnh tật nào ai nói trước được. Năm nay vẫn còn khỏe thì cứ xem hết mình, biết đến mùa World Cup có được xem nữa không”, anh Cường cố tỏ ra hài hước nhưng không thành và rơm rớm nước mắt khi nói về tương lai!

Theo Thanhnien.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý