Xây cầu vượt đường sắt qua sông Hồng: Dân lo lắng về đền bù

mesu mesu @mesu

Xây cầu vượt đường sắt qua sông Hồng: Dân lo lắng về đền bù

Đã có không ít ý kiến của người dân bày tỏ lo lắng xung quanh dự an Xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu.

21/04/2015 07:42 AM
394

Liên quan tới đề án “Xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu” cho tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) vừa được UBND TP Hà Nội thống nhất trình chính phủ để chờ phê duyệt đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân. Đã có không ít ý kiến bày tỏ lo lắng xung quanh dự án này, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng(GPMB).

   - Ảnh 1

Bản vẽ phối cảnh ban đầu vị trí của cầu đường sắt mới bắc qua sông Hồng, nằm cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu.

Theo ghi nhận của PV tại khu vực thuộc dự án xây cầu mới, đã có không ít ý kiến của người dân bày tỏ sự băn khoăn trước thông tin trên.

Hành nghề lái xe ôm gần 15 năm tại ngã ba phố Hàng Đậu, bác Thi (54 tuổi) cho rằng, việc nhà nước xây cầu vượt đường sắt qua sông Hồng thật ra cũng không thể giảm được tình trạng ách tắc giao thông hơn trước. Bởi số lượng người và phương tiện lưu thông quanh tuyến đường này là rất lớn. Cũng theo ông Thi, nếu xây cầu cách xa chỉ có 75 mét thì vẫn chưa thể đảm bảo được mỹ quan của cầu Long Biên. “Nếu có thể lùi lại tới phố Nguyễn Trung Trực thì sẽ đỡ ảnh hưởng tới không gian kiến trúc của cầu Long Biên hơn. Đỡ phải nắn đường ray khỏi chỗ tháp nước hàng Đậu”, ông Thi tâm sự thêm.

   - Ảnh 2

Do vị trí khá gần với cầu Long Biên cũ mà không ít người dân tỏ ra lo lắng về tính khả thi của dự án này. Liệu có giải quyết được bài toán ách tắc giao thông và giảm tải cho cây cầu có tuổi đời hàng thế kỷ này hay không?

Cùng chung lo lắng đó, ông Thuận – một cán bộ ngành xây dựng đã về hưu chia sẻ: “Nếu xây cầu mới, các vị trong BQL dự án này cần phải thật thận trọng, tính toán tới các yếu tố về kỹ thuật, an toàn lao động và chất lượng công trình”. Nằm ngay cạnh cây cầu có tuổi đời hàng trăm năm trước đó, liệu có đảm bảo lưu thông được an toàn và giảm tải được không? Rồi thiết kế sao cho cảnh quan khu phố cổ xung quanh đó được giữ nguyên trạng như bây giờ. Tất cả đều phải làm theo một quy trình thật chặt chẽ, chuyên nghiệp.

   - Ảnh 3

Theo thiết kế, cầu vượt mới sẽ đi trùng với tuyến đường sắt quốc gia qua đường Phùng Hưng rồi chuyển hướng theo phố Hàng Đậu vắt ngang qua đê sông Hồng và vượt sông để bắt cùng với nhịp của tuyến đường sắt hiện có bên kia sông.

Bên cạnh đó, một khâu nữa cũng được đa số người dân quan tâm. Đó là vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các hộ dân bị ảnh hưởng nếu xây cầu chạy ngang qua phố Hàng Đậu. Đây là một khâu phức tạp mà nếu không làm tốt và chắc ngay từ đầu sẽ rất có thể gây bức xúc cho người dân.

Theo ý kiến của ông Lương Văn Vinh (69 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố số 20, phường Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Đây là một dự án lớn của ngành giao thông và của TP, có tác động không nhỏ tới hệ thống giao thông đô thị của Thủ đô nên đa phần người dân sẽ ủng hộ thôi. Tuy nhiên, việc căn chỉnh bản đồ quy hoạch tuyến đường sắt này phải làm sao cho không làm ảnh hưởng tới hiện trạng của khu phố cổ Hàng Đậu. Đặc biệt là đời sống dân sinh của bà con tại đây”.

Ông Vinh cũng nhấn mạnh, việc này bà con nơi đây cũng chỉ mới biết thông qua các phương tiện báo đài chứ chưa rõ kế hoạch cụ thể thế nào. “Ở địa bàn chúng tôi trước đây mới chỉ thấy các đơn vị tới thống kê mỗi hộ gia đình bao nhiêu mét vuông, mấy nhân khẩu thôi chứ chưa hề họp dân để bàn cụ thể kế hoạch đền bù GPMB cho dự án đường sắt số 1 này”, vị tổ trưởng dân phố số 20 bày tỏ.

   - Ảnh 4

Việc đền bù GPMB trên tuyến phố Hàng Đậu cũng cần được lên phương án thật chi tiết, minh bạch nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân khi dự án được khởi công.

Trên quan điểm tán thành với đề án này, ông Dương Văn Thuận (71 tuổi) ở tổ dân phố số 18, phường Đồng Xuân cũng bày tỏ nguyện vọng chung tay với nhân dân bảo tồn nguyên vẹn khu phố cổ. “Đã gắn bó cả cuộc đời với khu phố này, chúng tôi vẫn mong có ngày được cùng con cháu chứng kiến sự phát triển của ngành giao thông Thủ đô nói chung, cây cầu vượt đường sắt mới nói riêng. Khi dự án được Thủ tướng thông qua thì bà con sẵn sàng ủng hộ dự án. Nhưng hiện giờ dân chúng tôi vẫn chưa biết bản kế hoạch chi tiết từ khảo sát, thống kê, thiết kế, GPMB cho tới thi công nên hiện vẫn tồn tại những lo lắng ban đầu”, ông Thuận chia sẻ.

Việc lập hẳn một bản kế hoạch chi tiết cho khâu GPMB, bố trí diện tích đất tái định cư cho các hộ thuộc diện giải tỏa, di dời cũng là việc nên được các cấp ngành liên quan cân nhắc tính toán thật sâu sát. Vị tổ trưởng dân phố số 18 còn cho biết thêm: “Tránh tình trạng dự án chưa kịp khởi công thì đã gặp vấn đề khiếu kiện của người dân xung quanh việc đền bù GPMB, tái định cư. Ảnh hưởng tới tiến độ chung của toàn dự án nên việc chọn nhà thầu thi công cũng cần phải xem xét năng lực kỹ lưỡng”.

Theo như bản vẽ ban đầu, vị trí cầu vượt đường sắt mới sẽ đi trùng với tuyến đường sắt quốc gia chạy dọc theo đường Phùng Hưng rồi chuyển hướng về phía phố Hàng Đậu, cắt ngang qua đê sông Hồng và chợ Long Biên, vượt qua sông Hồng và chuyển hướng đi trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có. Phương án này về cơ bản có khối lượng GPMB ít nhất. Đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng tới khu phố cổ, có tính kết nối cao với mạng lưới giao thông đô thị và giảm tải cho cầu Long Biên.

Đình Tuệ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý