Xây dựng thương hiệu nông sản vùng miền: Còn nhiều bất cập

nhidong nhidong @nhidong

Xây dựng thương hiệu nông sản vùng miền: Còn nhiều bất cập

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hòa Chính, Giám đốc Công ty XNK Cà phê Đăk Hà chia sẻ với phóng viên. Ông kiến nghị việc xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng miền phải do nhà nước đầu tư và quản lý, tuy nhiên hiện còn thiếu cơ chế cho vấn đề này.

19/07/2014 12:35 PM
1,253

Ông Chính cho rằng, đầu tư cho xây dựng phát triển thương hiệu là đầu tư dài hạn nên nguồn vốn phải ưu đãi về lãi suất thích hợp, thậm chí không lãi suất. Hiện nay, doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với bốn vấn đề trong lợi thế so sánh để cạnh tranh và hội nhập. Một là, công nghệ lạc hậu, do điều kiện đất nước, do thiếu vốn. Hai là, kinh nghiệm thương trường đi sau các nước phát triển. Ba là, chi phí về vốn cao hơn nhiều lần so với doanh nghiệp nước ngoài. Bốn là, đối với doanh nghiệp nhà nước, chi phí tiền lương, chi phí khấu hao, quản lý phí cao hơn nhiều so với doanh nghiệp cổ phần và tư nhân vì bộ máy cồng kềnh, tài sản lạc hậu, khả năng khai thác hạn chế và cơ chế không linh hoạt.

Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp như công ty của ông Chính cũng rất khó tiếp cận với các tổ chức tín dụng vì lãi suất vẫn ở mức cao. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu tuy là hợp thời nhưng chưa phù hợp với điều kiện doanh nghiệp. Cho dù, Cà phê Đăk Hà là thương hiệu đã có những thành công như là thương hiệu cà phê nguyên chất đầu tiên được người tiêu dùng bình chọn trong top 500 sản phẩm dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời cũng là cà phê đầu tiên tại Việt Nam được UTZ Certified (Tổ chức quốc tế về cà phê có trách nhiệm và thân thiện với môi trường) chứng nhận và bảo hộ thương hiệu toàn cầu. Sản phẩm của công ty sản xuất theo quy trình “Nguyên chất và hữu cơ” được vinh danh sản phẩm tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao.

 Việc xây dựng và phát triển thương hiệu tuy là hợp thời nhưng chưa phù hợp với điều kiện doanh nghiệp. 

Ông Chính chia sẻ, thời gian đầu làm cà phê nguyên chất giá cao không bán được vì thị trường phổ biến là cà phê độn với giá rẻ. Do đó sản phẩm của công ty phải định vị sang làm quà, gắn nhãn mác địa danh xuất xứ sản phẩm. Lúc mới sản xuất chưa ai mua phải chấp nhận cho nhiều, bán ít... Xác định thị trường mục tiêu trước mắt phải là thị trường bản địa nên Cà phê Đắk Hà đã được dùng phổ biến tại thị trường Kon Tum. Công ty cũng đã phát triển được một số thị trường quan trọng khác như : Hà Nội, Vinh, Hà Tĩnh, Đà Nẵng…

Để khắc phục những bất cập nêu trên công ty kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và mức hỗ trợ phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh, phù hợp với lợi thế thương mại từng vùng miền, vì với vùng sâu, vùng xa, lợi thế thương mại thấp và chi phí vận chuyển cao. Đây cũng là giải pháp rút ngắn khoảng cách. Đồng thời nếu coi doanh nghiệp là vai trò trung tâm trong mối liên kết giữa người sản xuất nông sản – doanh nghiệp – thị trường thì cần có cơ chế để doanh nghiệp xây dựng phát triển thương hiệu gắn với thị trường.

Đối với chính quyền địa phương, bên cạnh chương trình hỗ trợ vốn của Chính phủ cho sản xuất nông nghiệp, cần có kế hoạch phối hợp để khai thông nguồn vốn phục vụ cho chương trình xây dựng phát triển thương hiệu vùng miền nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông sản của địa phương.

Các ngân hàng thương mại nên cùng doanh nghiệp xây dựng, thẩm định tính khả thi của phương án vay vốn và quản lý rủi ro, cần linh hoạt trong thế chấp và tín chấp. Qua thực tế nhiều khi chỉ vì một hợp đồng vay vốn dư nợ rất ít, bị quá hạn, mặc dù đã có yếu tố bảo đảm nhưng ngân hàng cũng không cho vay mới, làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Về công tác cán bộ trong doanh nghiệp, mục tiêu của doanh nghiệp là hiệu quả, nhưng cũng cần đánh giá khách quan toàn diện trên hai mặt đó là kết quả và hiệu quả. Đối với đơn vị đặc thù thì phải xem xét hiệu quả trước mắt và hiệu quả lâu dài.

Theo Baocongthuong.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý