Xe bus nghiêng không lật: Chỉ qua mắt người không rành kỹ thuật

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Xe bus nghiêng không lật: Chỉ qua mắt người không rành kỹ thuật

“Nếu theo cách giải thích của lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội thì chỉ những người không rành về kỹ thuật mới yên lòng. Những lúc vào cua thì nguy cơ lật là rất cao”, ông Bùi Danh Liên cho biết.

27/05/2015 12:06 PM
458

Liên quan tới việc mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết tình trạng “xe buýt số 01, 02 nghiêng nhưng không thể lật” đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.

Xe nghiêng không thể lật?

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Nếu theo cách giải thích cho rằng xe buýt nghiêng nhưng không thể lật của lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội thì chỉ những người không rành về kỹ thuật mới yên lòng. Thực tế vẫn có thể xảy ra tai nạn nếu xe nghiêng lại đi vào vòng cua, rất nguy hiểm”.

   - Ảnh 1

Giải thích cho rằng xe nghiêng nhưng không lật đang gây nhiều lo ngại từ người dân (Ảnh: Dân Việt).

Ông Liên cho biết, bóng hơi là một thiết bị giảm xóc tiên tiến thường có hình trụ tròn. Nó có ưu điểm vượt trội hơn so với các hệ thống giảm xóc bằng các lá thép (zip) giúp hạn chế các tiếng kêu cót két và tạo cảm giác êm ái cho người ngồi trên xe. Bình thường trên mỗi chiếc xe buýt được thiết kế 6 chiếc bóng hơi phân bố đều ở phía dưới mặt sàn. Do được thiết kế theo cơ chế tự động, thiếu hơi nó sẽ được tự bơm thêm chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút nên nó đã tỏ rõ tính ưu việt của thiết bị này.

   - Ảnh 2

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (Ảnh: N.Minh).

Theo ông Bùi Danh Liên, cách giải thích của lãnh đạo Tổng cty Vận tải Hà Nội là chưa thỏa đáng. Bởi nếu khi xe đã bị nghiêng tới 3 – 4 phút như vậy, tức là hệ thống bóng hơi đã gặp vấn đề và cần phải đưa về xưởng để bảo dưỡng ngay. Không thể tiếp tục cho các xe gặp sự cố về bóng hơi như vậy được tiếp tục chạy trên đường sẽ gây nguy hiểm cho chính người ngồi trên xe và các phương tiện khác.

Nếu hệ thống bóng hơi đảm bảo chất lượng khi vận hành thì dù có một lượng lớn hành khách lên xe cùng lúc thì cũng không thể gây ra hiện tượng nghiêng, lệch như vậy được. Và tương tự, một khi hệ thống bóng hơi đã bị trục trặc thì dù trên xe không có khách đi nữa thì xe vẫn bị nghiêng lệch như thường.

Giải thích của ông Nguyễn Việt Triều – Phó TGĐ Tổng cty Vận tải Hà Nội cho rằng, nếu quả bóng hơi có nổ đi chăng nữa, xe cũng chỉ nghiêng đến một mức độ nhất định chứ không thể đổ lật. Khi xe buýt nghiêng thì hành khách không cảm nhận được xe nghiêng vì tiết diện chân đứng nhỏ hơn rất nhiều so với sàn xe.

“Đây là cách giải thích thiếu thỏa đáng. Bóng hơi không chỉ áp dụng lắp đặt trên xe buýt mà ngay tàu hỏa (xe lửa) cũng thiết kế hệ thống bóng hơi hiện đại này nhằm nâng cao chất lượng vận chuyển hành khách trong những năm gần đây. Nếu như theo cách giải thích của ông Triều, thì trên đường sắt khi xe lửa đi vào các vòng cua với tốc độ nhất định thì nguy cơ xảy ra lật tàu hoàn toàn có thể xảy ra, thiệt hại là vô cùng lớn”, Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội khẳng định.

Họ đã quên kiến thức vật lý trung học?

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ vật lý cơ học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng: “Lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội đưa ra giải thích như vậy chứng tỏ họ đã quên kiến thức về vận tốc và trọng tâm trong chương trình vật lý ở bậc trung học”.

   - Ảnh 3

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng, dường như lãnh đạo Tổng cty Vận tải Hà Nội đã "quên" kiến thức vật lý trung học khi đưa ra giải thích như vậy (Ảnh: N.Minh).

Về nguyên tắc, ông Khải đồng ý rằng bất cứ thiết bị nào cũng đều phải có những sai số, bất thường. Và bóng hơi cũng là một trong số các thiết bị như vậy. Việc xe ô tô được thiết kế lắp đặt các quả bóng hơi giúp cho xe cân bằng khi gặp đường gồ ghề mà tạo cảm giác thoải mái cho hành khách ngồi trên xe là một bước tiến lớn của khoa học hiện đại. Nhưng một khi, các van của bóng hơi bị rò rỉ hay gặp sự cố nào đó thì nó sẽ bị xẹp xuống và khí bị thoát ra ngoài làm mất đi chức năng giữ thăng bằng cho xe khiến chiếc xe bị nghiêng, lệch.

“Theo lý thuyết thì các quả bóng hơi cũng cần phải có một khoảng thời gian nhất định để được bơm. Vấn đề là sau bao lâu, liệu nhà sản xuất có đưa ra được thời lượng quy định theo tiêu chuẩn để có thể bơm đầy khí cho mỗi quả bóng hơi như vậy hay chưa? Nếu theo cách giải thích của ông Triều, phải mất tới 3 – 4 phút thì mới đủ thời gian bơm đầy khí cho các bóng hơi phía dưới sàn xe, tôi thấy có sự không ổn”, Tiến sĩ Khải đặt vấn đề.

Ông Khải nhẩm tính, với vận tốc trung bình của xe buýt đi trong nội thành đạt khoảng 30km/h. Mỗi phút xe đi được 500m, tức trong 4 phút để chờ cho bóng hơi được bơm đầy thì xe đã đi được 2km rồi. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm khi đi vào các đoạn có độ dốc cao, đường vòng cua ở các ngã ba ngã tư. Khi đó, lượng người lên xuống xe sẽ tiếp tục dao động và khi còn cách bến đỗ khoảng 200m thì hành khách đã phải đứng ra sát phía ngoài cửa để chờ xuống bến. Chính nó lại tạo ra một lực nghiêng cho xe khiến nguy cơ lật, đổ là có thể xảy ra.

Nhấn mạnh tới yếu tố an toàn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng, các nhà sản xuất hay các cơ quan chức năng cần yêu cầu các xí nghiệp vận tải ô tô phải chấp hành đúng các quy định về quy trình, thời hạn bảo dưỡng bảo hành chất lượng của bóng hơi sau một khoảng thời gian nhất định chạy trên đường. Tránh tình trạng khi nó đã bị hỏng rồi, gây hoang mang cho hành khách mà vẫn cố tình cho xe chạy thì hậu quả sẽ rất khó lường.

   - Ảnh 4

Kiến nghị của ông Bùi Danh Liên cho rằng, Bộ GTVT cần bổ sung nội dung kiểm tra an toàn kỹ thuật với thiết bị bóng hơi (Ảnh: N.Minh).

Đồng quan điểm nay, ông Bùi Danh Liên còn cho biết, xe buýt có số lượng hành khách đứng trên xe nhiều hơn là xe khách nên khi di chuyển độ cân bằng sẽ thấp đi rất nhiều. Điều này càng đòi hỏi độ an toàn và chất lượng của hệ thống bóng hơi trong việc đảm bảo cân bằng cho xe.

“Trong trường hợp xe bị nghiêng như vậy, thì tại sao tài xế không cho xe tạm dừng lại một lúc cho tới khi bóng hơi được bơm đầy để tạo cân bằng cho xe? Hay tại vì áp lực tăng chuyến mà vẫn phải cố chạy thêm chứ chưa đưa về xưởng để bảo dưỡng kiểm tra lại?”, ông Bùi Danh Liên đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, ông Liên thẳng thắng nhìn nhận, hiện nay việc theo dõi kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện trước khi tham gia hoạt động vận tải của ta hiện vẫn còn thiếu. Cụ thể, trong 12 nội dung kiểm tra do Bộ GTVT hướng dẫn ban hành tới các HTX vận tải thì chưa hề có nội dung về an toàn bóng hơi. Trong khi hầu hết các xe hiện nay, kể cả xe con cũng đã đều được trang bị hệ thống hiện đại này.

“Vì vậy, một khi đã bị hỏng hệ thống bóng hơi thì lãnh đạo Tổng cty Vận tải Hà Nội phải lập tức đưa về xưởng bảo dưỡng sửa chữa ngay chứ không thể cho tiếp tục lưu thông phục vụ hành khách trên đường. Đồng thời, Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đưa thêm nội dung an toàn bóng hơi vào trong văn bản kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện trước khi tham gia hoạt động vận tải rồi phổ biến tới các đơn vị liên quan và thực hiện nghiêm túc”, ông Liên kiến nghị.

Nhật Minh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý