Xét xử giám đốc lấy vốn nhà nước chuyển cho công ty gia đình

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Xét xử giám đốc lấy vốn nhà nước chuyển cho công ty gia đình

(ĐSPL) Mua bán kiểu “phù phép”, mang tài sản nhà nước thế chấp vay vốn ngân hàng chủ yếu để chuyển vốn cho công ty gia đình.

04/08/2015 04:29 PM
71

Theo báo Công an TP.HCM, sau hai lần hoãn xử vào các tháng 4 và 7, TAND tỉnh Phú Yên vừa đưa các bị cáo trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô (thuộc sở hữu UBND tỉnh này) ra xét xử.

Đây là vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận địa phương vì hàng chục tỷ đồng của Nhà nước đã bị các bị cáo dịch chuyển cho công ty của gia đình họ mà khả năng thu hồi vốn cho Nhà nước không dễ.

VKSND tỉnh Phú Yên truy tố 8 bị cáo gồm: Nguyễn Minh (SN 1958, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cảng Vũng Rô), Ngô Minh Dũng (SN 1968, nguyên kế toán trưởng Công ty Cảng Vũng Rô), Nguyễn Trần Phong (SN 1965, nguyên Phó giám đốc chi nhánh Công ty Cảng Vũng Rô tại TP.HCM), Huỳnh Thành (SN 1952, Phó phòng Kế toán Công ty Cảng Vũng Rô tại TP.HCM), Nguyễn Vũ Thùy Trang (SN 1972, thủ quỹ Công ty Cảng Vũng Rô tại TP.HCM), Triệu Vũ Khiêm (SN 1977, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Lộc, có trụ sở giao dịch ở KCN Đồng An, TX.Thuận An, Bình Dương), Phạm Nhiêm (SN 1959, kế toán trưởng Công ty Đại Lộc), Hồ Thị Hằng (SN 1977, thủ quỹ công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Lộc) cùng tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Sau phần làm thủ tục phiên tòa, HĐXX dành phần lớn thời gian để xét hỏi đối với các bị cáo.

 - Ảnh 1Phóng to

Tám bị cáo trong vụ chuyển vốn nhà nước cho công ty gia đình. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM

Thông qua phần xét hỏi 2 bị cáo Triệu Vũ Khiêm và Phạm Nhiêm, HĐXX đã làm rõ yếu tố “sân sau” của Nguyễn Minh. Các bị cáo Khiêm, Nhiêm đều khai nhận Công ty Đại Lộc mặc dù trên giấy tờ là do Khiêm và Nguyễn Duy Hùng (quận Tân Bình, TP HCM) góp vốn thành lập nhưng thực chất là công ty riêng của Nguyễn Minh, do ông này bỏ vốn ra thành lập rồi mua nợ thiết bị, máy móc, sợi vải về sản xuất vải.

Theo báo Người Lao Động, tại tòa bị cáo Khiêm khai, Nguyễn Minh (bị cáo Khiêm gọi Nguyễn Minh bằng bác họ) bảo rằng vì Minh đã là giám đốc cảng Vũng Rô, về luật pháp không được mở công ty riêng nên bỏ vốn ra để Khiêm thành lập công ty. Thực tế thì công ty ấy của Minh. Khiêm và Nguyễn Duy Hùng cũng không quen biết. Từ ngày công ty thành lập đến khi tan rã, Khiêm cũng không thấy Hùng.

Cũng theo bị cáo Khiêm, dù làm Giám đốc Công ty Đại Lộc nhưng mọi hoạt động của công ty đều được ông Nguyễn Minh chỉ đạo. Bị cáo Phạm Nhiêm cũng thừa nhận: Khi nhận Nhiêm vào làm kế toán Công ty Đại Lộc, Nguyễn Minh nói công ty này do Minh thành lập.

Để rút tiền từ cảng Vũng Rô, từ tháng 1/2002 đến tháng 10/2012, ông Nguyễn Minh đã chỉ đạo cho Công ty Đại Lộc xuất 223 hóa đơn khống bán vải cho cảng Vũng Rô với số tiền trên 204,7 tỉ đồng, trong khi thực tế chẳng bán mét vải nào. Ông Minh tiếp tục chỉ đạo cho thuộc cấp ở cảng Vũng Rô lập thủ tục nhập khống 221 phiếu nhập kho theo hóa đơn của Công ty Đại Lộc đã xuất khống.

Để hợp thức hóa số vải nhập khống từ Công ty Đại Lộc, Nguyễn Minh tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp ở cảng Vũng Rô làm thủ tục xuất hóa đơn bán vải khống cho Trung tâm Thương mại Đồng Khánh và một số công ty khác; đồng thời lập phương án kinh doanh để vay vốn ngân hàng trên 159,5 tỷ đồng rồi chuyển cho Công ty Đại Lộc sử dụng trả nợ tiền mua máy móc, trả nợ ngân hàng, mua vải sợi.

Kiểm sát viên định tại tòa: việc ký kết và thực hiện các hợp đồng mua bán vải giữa 2 bên là cách chuyển tiền từ cảng Vũng Rô cho Công ty Đại Lộc sử dụng.

Trong hồ sơ vụ án, sổ sách thể hiện công nợ 2 bên thì Công ty Đại Lộc chỉ còn nợ cảng Vũng Rô gần 37,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo HĐXX, trong hồ sơ vụ án không có bất kỳ chứng từ nào thể hiện việc Công ty Đại Lộc trả số tiền trên 159,5 tỷ đồng đã nhận từ cảng Vũng Rô khi thực hiện việc bán vải khống.

Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: Vậy thì số tiền này đã trả chưa và trả qua các chứng từ nào, không thấy?.

Cả 2 bị cáo Khiêm và Nhiêm đều thừa nhận Công ty Đại Lộc có xuất bán khống vải cho cảng Vũng Rô và nhận về 159,5 tỷ đồng nhưng Công ty Đại Lộc có trả số tiền ấy lại cho cảng Vũng Rô hay không thì không biết (?).

Để qua mặt cơ quan chức năng, ông Nguyễn Minh đã chỉ đạo nhân viên Công ty Đại Lộc lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, một thực tế để mình theo dõi và một để báo cáo thuế.

Phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 7/8.

BTV (Tổng hợp)

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý