Xuất khẩu chè: Cần đi theo VietGAP

thienlong thienlong @thienlong

Xuất khẩu chè: Cần đi theo VietGAP

Xuất khẩu chè đang có dấu hiệu sụt giảm. Vì vậy, để ổn định và giữ vững thị trường, cần đưa các vùng nguyên liệu trồng chè vào khuôn khổ thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

08/04/2014 10:28 AM
1,220

Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, sản lượng xuất khẩu chè trong tháng 3/2014 ước đạt 8.000 tấn với giá trị đạt 11 triệu USD, đưa sản lượng xuất khẩu chè 3 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 24.000 tấn với giá trị đạt 37 triệu USD, giảm 15,4% về khối lượng và 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Xuất khẩu sụt giảm

Trong đó, sản lượng chè xuất khẩu sang thị trường Pakistan-thị trường tiêu thụ chè lớn nhất của Việt Nam được ghi nhận là giảm 13,03% về sản lượng và giảm 1,67% về giá trị so cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2013. Nếu tính riêng trong 2 tháng đầu năm, giá chè xuất khẩu bình quân được ghi nhận đạt gần 1.600 USD/tấn, tăng 4,92% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhìn chung, sản phẩm xuất khẩu chè chủ yếu vẫn là chè đen, chè xanh, chè ô long, chè nhài, chè đen OTC… với các thị trường chủ lực là Đài Loan, Trung Quốc, LB Nga, Pakistan, Mỹ, Indonesia… Số liệu cập nhật đến tháng 2/2014 của Hiệp hội Chè Việt Nam cho thấy, trong tháng này, xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan đạt sản lượng cao nhất với 1.249 tấn, trị giá khoảng 1,53 triệu USD, trong đó sản lượng chè đen tại thị trường này chiếm nhiều nhất với 704 tấn, trị giá trên 611 nghìn USD, tiếp theo là chè xanh, chè ô long và chè nhài…

Đánh giá về tình hình xuất khẩu chè những tháng đầu năm, ông Nguyễn Hữu Tài-Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea)-Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cho biết, sản lượng xuất khẩu chè trong quý I/2014 chủ yếu là lượng chè khô còn tồn lại từ tháng 11, tháng 12/2013.

Cùng với đó, một số công ty kinh doanh chè xuất khẩu gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến vận chuyển, hệ thống thu mua-phân phối do đó có thể thu hẹp sản lượng kinh doanh xuất khẩu. Mặt khác một số thị trường tiêu thụ chè lớn của Việt Nam như Pakistan, Afganistan… đang gặp bất ổn về chính trị do đó cũng ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam.

Áp dụng VietGAP- cơ hội cho ngành Chè

Tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practice) được nhiều nước nhập khẩu chè ngày càng ưa chuộng vì có thể kiểm tra chất lượng được các loại chè khi lưu thông trên thị trường.

Áp dụng các tiêu chuẩn GAP, người nông dân trồng chè sẽ có nhật ký ghi lại việc canh tác, chăm bón chè từ đầu vụ đến cuối vụ. Các đơn vị thu mua, chế biến cũng có những ghi chép cụ thể để sau khi các sản phẩm chè ra thị trường, người tiêu dùng sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc chè khi cần thiết.

Đối với Việt Nam, tiêu chuẩn VietGAP đã ra đời ngày 28/1/2008, thể hiện tính tất yếu của nền nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Diện tích trồng chè của Việt Nam hiện nay trên 130.000 ha với sản lượng hàng triệu tấn/năm. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu của mặt hàng này chưa cao.

Nguyên nhân khiến giá chè của Việt Nam thấp là do ngành chè còn nghèo nàn về chủng loại, chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là búp chè nguyên liệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cho chế biến chè chất lượng cao; các hộ dân chưa chú trọng kỹ thuật canh tác, mức đầu tư thấp... Vì vậy, điều kiện tiên quyết của ngành chè Việt Nam là phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn giống, sản xuất cho tới thu hái, chế biến, đặc biệt là phải thực sự an toàn và sạch.

Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch VITAS, dù xuất khẩu những tháng qua chưa khả quan nhưng dự báo xuất khẩu chè vẫn sẽ giữ được mức ổn định như năm 2013. Lý do ông Tài đưa ra nhận định này vì nhìn vào con số thống kê nhìn chung, sản lượng không thay đổi nhiều trong khi mức giá xuất khẩu chè sẽ rất khó tăng, nhưng cũng không thể giảm nhiều. Thậm chí nếu doanh nghiệp nào giữ vững được sản xuất với vùng nguyên liệu ổn định áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP thì có thể vẫn tăng được giá bán.

Ngay trong tháng 4 và tháng 5 tới đây, VITAS sẽ dẫn dắt một số doanh nghiệp tham gia Hội chợ Triển lãm chè quốc tế tại Các Tiểu vương quốc thống nhất (UAE) và Thái Lan. Các hoạt động này nhằm mục tiêu mở rộng thị trường, khai thác thông tin, đồng thời tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác thương mại xuất nhập khẩu chè giữa Việt Nam và các đối tác có tiềm năng tại UAE, châu Phi, Trung Cận Đông, Nam Á…

Theo Chinhphu.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý