Xúc động bí quyết giữ lửa hạnh phúc của “đại lão phu thê” lớn tuổi nhất châu Á

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

Xúc động bí quyết giữ lửa hạnh phúc của “đại lão phu thê” lớn tuổi nhất châu Á

Mặc dù đã ngoài 100 tuổi, nhưng vợ chồng cụ Cao Viễn và cụ Vũ Thị Hai vẫn tự chăm sóc nhau. Họ cùng nhau chia sẻ về cách giữ lửa hạnh phúc trong hôn nhân với PV báo ĐS&PL.

13/02/2017 07:47 PM
98

Mặc dù đã ngoài 100 tuổi, nhưng vợ chồng cụ Cao Viễn và cụ Vũ Thị Hai vẫn tự chăm sóc nhau trong ngôi nhà nhỏ ở làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đối với hai cụ, sống lạc quan, vui vẻ và sống có đức đó là bí quyết trường thọ. Họ cùng nhau chia sẻ về cách giữ lửa hạnh phúc trong hôn nhân với PV báo ĐS&PL.

Chỉ ăn khô, ít khi ăn canh

Ngày đầu tháng Giêng, chúng tôi về thăm vợ chồng cụ Cao Viễn (109 tuổi) và cụ Vũ Thị Hai (103 tuổi). Cách đây 3 năm, hai cụ được tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là cặp vợ chồng lớn tuổi nhất châu Á. Dù đã bước sang tuổi “bách niên giai lão” nhưng hai cụ còn minh mẫn lắm, đặc biệt cách nói chuyện của hai cụ hết sức hóm hỉnh.

Xúc động bí quyết giữ lửa hạnh phúc của “đại lão phu thê” lớn tuổi nhất châu Á - Ảnh 1

“Cặp tình nhân” sống lâu nhất châu Á chia sẻ về bí quyết để sống trường thọ.

Cụ Viễn sinh ra trong gia đình nghèo khó ở làng Phượng Lịch. Đến tuổi trưởng thành, cũng như bao chàng trai khác, cụ xung phong đi bộ đội. Thế nhưng rồi cụ bị thương trong một cuộc càn quét của địch nên phải về quê điều trị. Nhờ người mai mối, cụ nên duyên với cụ Hai.

“Thời đó, khác bây giờ lắm. Chúng tôi nên duyên vợ chồng nhờ người mai mối. Mặc dù, ở trong làng nhưng gặp nhau cũng e thẹn lắm, thậm chí lấy nhau về thời gian đầu chưa dám ngủ chung giường, chứ không mạnh dạn như bây giờ. Cưới xong hai ông bà cho vợ chồng ra ở riêng. Thời điểm bấy giờ cuộc sống khó khăn, ra ở riêng chỉ được nhà chồng cho 6 đôi đũa tre, tấm vải và vài đồng tiền thôi. Nghèo đói nhưng hai vợ chồng thương nhau lắm”, cụ Hai chia sẻ.

Rồi lần lượt 8 người con (3 trai, 5 gái) ra đời trong niềm vui của vợ chồng, nhưng kèm theo đó là gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” khiến cho cuộc sống của hai vợ chồng chật vật hơn rất nhiều. “Cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng tự động viên nhau cố gắng. Có thời điểm, cả nhà tôi phải ăn cám và ăn rau chuối để sống qua ngày. Vất vả là vậy nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng cho con ăn học đến nơi đến chốn không để đứa nào mù chữ”, cụ Viễn cho hay.

Mặc dù có con cháu đề huề nhưng hai cụ vẫn thích sống riêng. Hàng ngày hai cụ vẫn tự chăm sóc cho nhau. Thỉnh thoảng, cô con gái Cao Thị Tứ (71 tuổi) qua đi chợ mua thức ăn cho hai cụ. “Bình thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi, đứa con gái thứ tư đi chợ và nấu ăn giúp 2 cụ. Nhưng chủ yếu vẫn là cụ Viễn thường xuyên vào bếp nấu ăn, rửa bát đũa. Những lúc rảnh rỗi, cụ Viễn lại lấy báo ra đọc, rồi làm thơ cho vợ nghe. Thấy hai cụ rất hạnh phúc, nhiều cặp vợ chồng trẻ cũng phải ghen tị”, ông Trung – hàng xóm kể với PV.

Xúc động bí quyết giữ lửa hạnh phúc của “đại lão phu thê” lớn tuổi nhất châu Á - Ảnh 2

Vợ chồng cụ Cao Viễn hiện là cặp vợ chồng lớn tuổi nhất châu Á.

Hỏi về bí quyết để sống trường thọ, cụ Viễn bày tỏ rằng, không có gì đặc biệt: “Thời xưa đói nghèo, có cái gì ăn nấy chứ có bí quyết gì đâu. Món ăn ưa thích của hai vợ chồng là món cá biển kho mặn. Đặc biệt, hai vợ chồng chỉ ăn khô, rất ít khi ăn canh. Bây giờ hay bị táo bón nên buộc tôi phải ăn canh cho dễ tiêu hóa”.

Ngoài ra, cụ Viễn còn cho biết thêm, lao động cũng là bí quyết để sống thọ. “Làm việc nhiều thành thói quen, đến bây giờ sức khỏe yếu hơn nhưng vợ chồng tôi cũng phải vận động. Không biết làm việc nặng hay nhẹ nhưng phải làm thì trong người mới thấy khỏe được. Nhờ ông trời thương nên vợ chồng tôi rất ít khi đau ốm”, cụ Viễn chia sẻ về bí quyết trường thọ.

“Sở hữu” 135 cháu chắt nội, ngoại

Chung sống với nhau 86 năm nhưng đến bây giờ cặp vợ chồng đặc biệt này vẫn giữ được tình cảm như thuở ban đầu mới lấy nhau. Cuộc sống của họ lúc nào cũng êm ấm. Dù cuộc sống có lúc nghèo khổ và túng quẫn nhưng cụ Viễn chưa bao giờ đánh vợ hay dạy dỗ con bằng đòn roi. Nhìn hai cụ sống hạnh phúc, chăm sóc lẫn nhau khiến cho nhiều người hết sức ngưỡng mộ.

“Vợ chồng sống với nhau không thể tránh được mâu thuẫn. Những lúc như vậy, vợ chồng tôi thẳng thắn nói ra và tìm cách tháo gỡ. Cuộc sống có lúc này, lúc khác, căn bản là phải tin tưởng, thông cảm và bỏ qua cho nhau thôi. Có lẽ tinh thần thoải mái giúp vợ chồng tôi sống được hạnh phúc như ngày hôm nay”, cụ Hai cười nói.

Ông Cao Đại - con trai thứ hai của cụ Viễn bộc bạch: “Sợ bố mẹ sống một mình, đêm hôm nguy hiểm, con cái bàn về ở cùng nhưng cụ không đồng ý. Hai cụ không muốn làm phiền con cháu và muốn sống tự do. Rất may, hai cụ rất ít khi ốm đau, bệnh tật. Hai cụ sống với nhau tình cảm, quan tâm và lo lắng cho nhau lắm. Cụ chính là tấm gương cho con cháu noi theo. Điều đó khiến chúng tôi rất vui”.

Những người hàng xóm cho biết, chính cách nói chuyện hóm hỉnh và khả năng “nói trạng” của cụ Viễn là liều thuốc tinh thần giúp hai cụ vượt qua khó khăn và thử thách. Ngôi nhà hai cụ lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói.

“Cụ ông có khiếu hài hước nên lúc nào cũng có thể nói trạng được. Tôi không lúc nào giận ông ấy dài được. Mỗi lúc thấy tôi giận, ông ấy lại tìm cách “nói trạng” để vợ vui. Con cháu trong nhà nhìn thấy ông bà như vậy cũng vui lây. Tôi tin chính tiếng cười là liều thuốc tốt nhất cho sức khỏe gia đình và giữ gìn hạnh phúc trong hôn nhân”, cụ Hai bộc bạch.

Tuy bây giờ hai cụ có hơi bị lãng tai, nhưng mắt vẫn còn tinh lắm. Cụ Viễn vẫn thường xuyên ngồi đọc báo và xem ti vi mà không cần đến kính hỗ trợ. Để cuộc sống không nhàm chán, cụ Viễn còn làm thơ. Cụ Viễn cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi sống là phải vui vẻ, lạc quan. Mình phải làm cho tâm hồn mình luôn tươi trẻ, “già nhưng không được phép già”. Cuộc sống có khó khăn đến mấy cũng phải bình tĩnh để giải quyết. Trước những thăng trầm và biến cố của cuộc đời, hai cụ luôn khuyên răn con cháu phải sống thật tốt, luôn quan tâm giúp đỡ người khác, làm việc hợp với lẽ đời để tạo phúc cho chính mình.

Cũng vì sống trường thọ và hạnh phúc mà nhiều cặp vợ chồng trẻ trong làng phải nhờ đến hai cụ làm mai mối. Mỗi khi có đám cưới, họ mời hai cụ đến chúc phúc cho đôi bạn trẻ sống đến “đầu bạc răng long”. Nay tuổi tác đã cao, đi lại không thuận tiện, có cặp vợ chồng còn trực tiếp đến nhà hai cụ để nhận được lời chúc trăm năm hạnh phúc.

“Bố mẹ chồng tôi đã trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Ông bà luôn căn dặn con cháu những điều hay lẽ phải. Hy vọng, trời thương để cho ông bà sống với con cháu lâu hơn nữa. Đó là niềm tự hào và lẽ sống của con cháu”, bà Ngô Thị Dung, 73 tuổi, con dâu thứ hai của cụ Viễn mong muốn.

* Bài viết đã đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

Hà Hằng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý